Hồi ức về hạt cát trong cơn lốc thời đại

Sẽ có những số phận, dù nhỏ bé giữa dòng xoáy lịch sử, lại tỏa sáng rực rỡ như ngọn đuốc. Nguyễn Văn Giá, một Cựu chiến binh đến từ vùng đất Hưng Yên, mà xưa kia là Thái Bình, sinh năm 1950, chính là một người như thế.

Điểm chỉ huyết thề non sông

Nguyễn Văn Giá sinh ra trong bối cảnh đất nước chìm trong khói lửa chiến tranh,  là con trai duy nhất, là niềm hy vọng mưu sinh của người mẹ tảo tần, khi cha ông đã bước sang một bến đò khác. Theo lẽ thường, tiếng súng đạn, bom rơi lẽ ra sẽ chẳng chạm đến ông, bởi chính sách ưu tiên cho những gia đình chế độ 01 con. Thế nhưng, tiếng gọi thiêng liêng của Đảng, của Tổ quốc đã thức tỉnh trái tim người thanh niên trẻ. Bỏ lại sau lưng sự ưu tiên của số phận, bằng tất cả nhiệt huyết và lòng yêu nước cháy bỏng ông Giá đã tự nguyện nộp đơn xin nhập ngũ.

"Lúc đó, tôi phải chích máu để điểm vào tờ đơn" giọng ông Giá trầm lại, như tiếng vọng từ một miền ký ức xa xăm, đong đầy cảm xúc. Khoảnh khắc ấy, không chỉ là một thủ tục hành chính, mà là một lời thề máu, một giao ước thiêng liêng với non sông. Vì "Nhà nghèo, không được ăn uống đầy đủ nên không đủ cân. Tỉnh đã nuôi ông đến khi đủ cân mới đưa đi huấn luyện", một người lính tương lai lại phải được "nuôi" cho đủ sức để cầm súng, để hy sinh, tưởng chừng là rào cản, lại trở thành minh chứng cho sự kiên định lạ thường.

Tuổi 17, cái tuổi còn non dại, lẽ ra phải được mẹ che chở, được vui chơi hồn nhiên. Vậy mà, ông Giá đã dứt áo rời xa vòng tay gia đình, bước vào quân ngũ, huấn luyện tại Bộ Tư lệnh 350. Nơi đó, ông bắt đầu cuộc đời người lính, những ngày tháng huấn luyện khắc nghiệt, những bài học đầu tiên về ý chí kiên cường và lòng dũng cảm.

Gia cảnh khó khăn, cơm không đủ no, áo không đủ ấm, đã in hằn sâu vào tâm trí người lính trẻ. Ấy vậy mà, khi đặt chân vào môi trường Quân đội, một cảm giác lạ lẫm, một sự nhẹ nhõm đến bất ngờ len lỏi trong trái tim, ông kể: "Tôi viết thư về cho mẹ, ở bộ đội con sướng hơn ở nhà. Vào đây không phải lo bữa ăn hàng ngày, được ăn cơm trắng, rau xanh. Ở nhà mình toàn ăn cơm độn rau má". Nhìn nụ cười móm mém, đầy chất phác chợt thoáng hiện trên gương mặt khắc khổ, như thể ông đang cười mà nước mắt muốn chảy ra. "Đó cũng là một trong những động lực để ông vượt qua được gian khổ khi huấn luyện", điều đó, ẩn chứa biết bao nhiêu nỗi niềm. Nó không chỉ là niềm vui đơn thuần của một người lính trẻ khi được ăn no, mặc ấm, mà còn là nỗi lòng của một người con thương mẹ, muốn mẹ ở quê nhà yên lòng, muốn mẹ tin rằng con trai mình đang sống tốt, dù cho ngoài kia mưa bom, bão đạn vẫn không ngừng trút xuống. Hơn ai hết, ông hiểu rằng, chỉ khi ông vững vàng, mẹ ông mới có thể bớt đi một phần lo toan, vơi đi một phần nước mắt.

“Vừa bằng chiếc mũ giải phóng”

Sau những tháng ngày huấn luyện khắc nghiệt, ông Giá cùng đoàn 2034 bắt đầu hành trình ròng rã 5 tháng rưỡi, đi bộ từ miền Bắc vào ngã ba Đông Dương ở Campuchia và miền Đông Nam Bộ, trên con đường Trường Sơn huyền thoại. Mỗi bước chân là một thử thách nghiệt ngã, mỗi chặng đường là một cuộc đối đầu với hiểm nguy cận kề, nhưng ý chí người lính vẫn sắt đá, bền bỉ đến lạ thường.

 Khi đặt chân đến chiến trường, ông được điều về đơn vị pháo binh, Đoàn Pháo binh Biên Hòa, đoàn 75, chuyên trách pháo mặt đất tầm xa. Năm 1972, ông trực tiếp tham gia Chiến dịch Nguyễn Huệ, đánh vào thị xã An Lộc, Bình Long, thuộc sĩ 9 (công trực 9). Trong một lần cùng các anh lớn đi trinh sát địa hình, họ đã thu được chiến lợi phẩm, nhưng sau đó bị địch phát hiện: "Chúng tôi phải chuồn ngay đi, cứ đêm bò vào, sáng bò ra không cẩn thận là mất mạng như chơi", giọng ông trầm lại, như tái hiện lại từng khoảnh khắc định mệnh của sự sống còn. Những ký ức ấy, dù đã mấy mươi năm trôi qua, vẫn còn nguyên vẹn, sống động trong tâm trí ông.

Trận địa pháo trong Chiến dịch Nguyễn Huệ trở thành một dấu ấn không thể phai mờ trong cuộc đời người lính của ông: "Địch đi trinh sát phát hiện được trận địa, thế là nó rải bom phá, sau đó bom bi, chúng tôi vội vàng nhảy xuống hầm”, giọng ông chợt run lên, như thể tiếng bom vẫn còn vang vọng đâu đây. Ông nói tiếp: "Quả bom bi là quả mẹ đẻ quả con, khi quả to rơi xuống trong đó có vô vàn những quả bom nhỏ bay tứ tung. Quả bom bi lớp thứ hai nó to bằng quả trứng ngỗng thì lúc đó tôi thấy nó lăn lăn vào cửa hầm của tôi". Thời gian dường như ngừng lại, trong hầm còn có bốn người lính khác, bốn sinh mạng đang nằm trong tay ông, nhanh như chớp, bằng bản năng sinh tồn mãnh liệt, ông vội vàng cầm quả bom hất ra và đúng lúc nó vừa bay ra thì nổ tung. "May là còn kịp”, ông thở phào, một nụ cười méo mó hiện trên khuôn mặt. Nhưng rồi, bi kịch chưa dừng lại: "Quả bom bi ở lớp thứ ba, nó lại lọt vào tay tôi, một viên bom bi nhỏ nó bằng cái viên bi xe đạp trục sau xe nhưng cũng đủ để tôi bỏ mạng”. Không một chút ngần ngại, không một giây chần chừ, ông Giá lấy ngay sợi dây cao su từ dép bộ đội, cuốn chặt vào cổ tay mình: "Vì viên bi đó nó vào người mình nó sẽ chạy theo đường cơ, chạy lung tung cơ thể là rất nguy hiểm". Sau đó, y sĩ tiểu đoàn đã phải chích để lấy viên bi ra khỏi người ông. Ký ức về sự sống còn mong manh, về bản năng sinh tồn mạnh mẽ đến khó tin của người lính ấy khiến ai nghe cũng phải lặng người, cảm phục.

Trong suốt cuộc đời binh nghiệp, ông Giá đã chứng kiến biết bao mất mát, bao sự hy sinh thầm lặng. Nhưng có lẽ, nỗi đau lớn nhất, ám ảnh ông đến tận bây giờ, là sự ra đi của người đồng đội, một người đồng hương cùng đơn vị, ở xã Tây Giang, tỉnh Thái Bình.

"Anh ấy chiến đấu ở mặt trận An Lộc, Bình Long. Một mình anh ấy bị một quả pháo bắn vào người, tất cả những gì chúng tôi tìm thấy, đựng vừa đúng bằng lòng chiếc mũ giải phóng... ", giọng ông Giá nghẹn lại, lạc đi trong tiếng nấc, những giọt nước mắt lăn dài trên gò má đã in hằn dấu vết thời gian và bom đạn. “Chúng tôi đi thu lượm… chỉ có khóc và đi nhặt thịt vụn của anh ấy, ruột thì bị treo trên cây, còn lại đầu thì không thấy", cảnh tượng kinh hoàng ấy, dù đã mấy chục năm, vẫn như lưỡi dao sắc lẹm cứa vào lòng ông. Chiếc mũ giải phóng, biểu tượng của chiến thắng, của tự do, giờ đây lại trở thành vật chứa đựng nỗi đau tột cùng của sự chia ly. Nó gói ghém không chỉ phần thân thể tan nát của người lính, mà còn cả tình đồng đội thiêng liêng, bất tử. Cho đến tận bây giờ, ông vẫn giữ thói quen thắp hương cho người đồng đội đã khuất, như một lời hứa, một lời tri ân không bao giờ quên: "Lúc bấy giờ ở chiến trường, thời gian ở cùng đồng đội còn nhiều hơn gia đình, nên tôi coi anh ấy hơn cả anh ruột”.

Dinh Độc Lập còn đó

"Trước đó, máy bay vẫn đánh Hà Nội”, ông nhớ lại, giọng ông như hòa vào tiếng bom đạn của một thời đã xa. "Trên mũ của chúng tôi có khẩu hiệu: 'Vì trả thù cho đồng bào Khâm Thiên Hà Nội, chúng ta không tiếc một giọt máu”, lời thề ấy, khắc sâu không chỉ trên những chiếc mũ vải mà còn in hằn trong trái tim mỗi người lính.

Sau Hiệp định Paris 1972, hòa bình tưởng chừng đã cận kề, ông Giá cùng đồng đội được giao một nhiệm vụ đặc biệt: "Cầm cờ đi xí đất, ai cắm cờ đến đâu là đất của mình đến đó, một bên cờ ta một bên cờ ngụy". Sáng hôm sau, khi lá cờ Giải phóng kiêu hãnh tung bay trên mảnh đất vừa giành được, lính Ngụy tiến ra, giọng điệu hằn học: "Đất này đất của ai mà miền Bắc dám vào để xâm nhập?" ông Giá không chút nao núng, ánh mắt quật cường, kiên định trả lời: "Đất này là đất của con cháu Hùng Vương, chúng ta sống trên con Lạc cháu Hồng, kể Nam hay Bắc thì chúng ta phải có trách nhiệm bảo vệ vùng đất này, không để bọn đế quốc chà đạp đất Tổ". Lời nói ấy, không chỉ thể hiện sự hiểu biết sâu sắc về cội nguồn dân tộc mà còn là niềm tự hào mãnh liệt của một người con đất Việt, quyết bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng.

Thế nhưng, giấc mơ hòa bình chưa trọn vẹn, khi địch ngang nhiên phá vỡ Hiệp định. Đoàn của ông Giá lại tiếp tục dấn thân vào cuộc chiến, chuyển sang Đoàn 232, tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử: "Chúng tôi đi vượt Vàm Cỏ Đông để đánh thị xã Long An". Đêm 27, rạng sáng 28 tháng 4 năm 1975, trong màn đêm dày đặc, họ tiến ra bến phà Hậu Nghĩa: "Đầu tiên, nhà nước mình ép hết bờ sông, sau đó đội công binh bắt đầu ra để lắp ráp chỉ trong 15 phút thôi mà lắp được phà chở được 6 pháo và 6 cái xe to". Sự tài tình, tốc độ phi thường và tinh thần sẵn sàng chiến đấu của Quân đội ta khiến ông vẫn còn nhớ mãi, xen lẫn niềm tự hào: "Mỗi phà còn được lắp một khẩu 12 ly7 để bắn máy bay địch, bảo vệ phà”.

Khi đánh vào trung tâm thị xã Hậu Nghĩa, địch chống cự ác liệt, nhưng ý chí quân giải phóng không hề nao núng: "Chúng tôi bên pháo nằm cách đó 01 km thị xã Hậu Nghĩa. Đêm hôm đó, bộ binh kêu gọi, phát loa bao vây Thị xã, đúng đến 12 giờ đêm: Giờ đã đến, lệnh nổ súng!" Khoảnh khắc ấy, là sự bùng nổ của cả một chiến dịch lịch sử. Khi xe tăng địch đầu hàng, quân Giải phóng đã quy định rõ tín hiệu để tránh đổ máu vô ích: "Một là kéo cờ trắng, hai là bật đèn đỏ nhấp nháy, ba là bịt bạt nòng pháo thì quân Giải phóng mới tiếp nhận, không có tín hiệu là chúng tôi bắn luôn”.

Đúng 3 giờ sáng, ngày 30 tháng 4 năm 1975, thị xã Hậu Nghĩa được giải phóng. 4 giờ sáng, ông Giá cùng hai đồng chí lái xe trực tiếp vào thị xã Hậu Nghĩa để thu chiến lợi phẩm: "Chúng tôi lấy toàn bộ đạn 105 của địch xếp lên xe để chuẩn bị kéo vào Củ Chi, sẵn sàng đánh Tân Sơn Nhất". Cùng ngày, đơn vị ông chịu trách nhiệm đánh vào Tân Sơn Nhất và bắn vào Dinh Độc Lập: "Kế hoạch 2 giờ chiều chúng tôi nổ súng bắn vào Dinh Độc Lập, nhưng 11 giờ 30 phút, Dương Văn Minh đầu hàng”.  Giây phút ấy, niềm vui vỡ òa, không chỉ vì chiến thắng, mà còn vì sự vẹn nguyên của những biểu tượng lịch sử: "Chúng tôi mừng vì giữ lại được Dinh Độc Lập và sân bay Tân Sơn Nhất không bị tiêu hủy, chứ không 600 quả đạn bác bắn vào Sân bay không còn gì, 200 quả bắn vào Dinh thì chỉ còn đống hoang tàn". Giọt nước mắt của người lính khi ấy, không phải vì đau thương, mà vì niềm hạnh phúc tột cùng của hòa bình, của sự vẹn toàn non sông sau bao năm tháng máu xương.

Sau Chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng, ông Giá được cấp Huy hiệu Đại thắng Mùa xuân, một Huy hiệu Chiến dịch Hồ Chí Minh và được công nhận đã có mặt ở Sài Gòn vào ngày 30 tháng 4 lịch sử. Những phần thưởng ấy, không chỉ là sự ghi nhận công lao, mà còn là minh chứng sống động cho những năm tháng tuổi trẻ đã cống hiến trọn vẹn cho độc lập, tự do của Tổ quốc.

Không ai bị bỏ lại phía sau

Sau chiến tranh, lẽ ra ông Giá được lệnh đi học ở Sài Gòn, nhưng một sự kiện bất ngờ đã thay đổi cuộc đời ông. Tiểu đoàn trưởng của ông, trên đường về quê cách nhà ông Giá 20km, đã ghé thăm gia đình ông. Chứng kiến cảnh mẹ ông đang thắp hương cho con trai mình, Tiểu đoàn trưởng vội báo tin ông Giá vẫn còn sống. Ngay sau đó, ông Giá nhận được tin và đang định đi học 18 tháng ở Sài Gòn nhưng Tiểu đoàn trưởng đã cầm giấy lên trung đoàn, khuyên ông nên xuất ngũ để về quê hương. Ngày 9 tháng 9 năm 1976, ông xuất ngũ, trở về với cuộc sống đời thường.

Cuộc sống sau chiến tranh, đối với người lính trở về, không hề dễ dàng: "Rất nhiều rắc rối, nhiều khó khăn. Nhà đất có hai gian, lợp rạ, nhà thì dột, giường đóng bằng tre, tối quá thì lấy vôi quét xíu lên tường cho sáng", cuộc sống thiếu thốn đến mức tận cùng. Vài tháng sau, bi kịch lại ập đến khi bố ông qua đời. Không một xu dính túi để lo tang lễ, ông phải chạy vạy vay mượn khắp nơi. Sau đó, ông lên tỉnh, nộp đơn xin trợ cấp tiền tiêu vặt cho những đồng chí đã hoàn thành nhiệm vụ, nhưng nguyện vọng chính của ông là xin quyết toán một lần để có tiền làm đám ma cho bố. Đáng buồn thay, cấp tỉnh lại từ chối, là không đủ thẩm quyền giải quyết.

Không chấp nhận sự bế tắc, ông quyết định lên gặp cấp Bộ: "Tôi đi nhờ xe chở lợn để đi lên Bộ, vì vé xe khó lấy mà muốn đi cũng không có tiền". Hành trình gian nan ấy, thấm đẫm mồ hôi và nỗi nhọc nhằn, nhưng không thể ngăn cản bước chân của người cựu binh. Lên đến Bộ, ông may mắn gặp được một thủ trưởng mang quân hàm cấp tướng. Khi được hỏi về lý do nhập ngũ dù là con một, ông Giá kiên định đáp: "Thủ trưởng hỏi câu đó là sai vì đất nước bị giặc chiếm, là con dân ai cũng không yên lòng". Về công lao cá nhân, ông thể hiện sự khiêm tốn sâu sắc, ông thẳng thắn chia sẻ: "Những đóng góp của tôi chỉ bằng hạt cát trong cơn lốc. Nếu bây giờ tôi mà nhận công lao thì những người đã bỏ mạng nằm tại chiến trường, ai đòi công lao cho họ. Hôm nay tôi lên chẳng muốn xin chế độ, chỉ muốn đồng chí xem xét giải quyết cho tôi việc kia. Nhà nước mới giải phóng còn nghèo nên tôi chẳng muốn đòi hỏi gì cả, được thì tốt, không được thì tôi cũng vui vẻ về".

Khoảng một tuần sau, ông nhận được hai giấy báo từ cơ quan Bộ gửi về. Một giấy phê bình chính quyền, đảng ủy địa phương về công tác Hậu phương Quân đội không tốt. Ngoài ra còn có 5 đồng là tiền gửi thắp hương cho bố ông và một quyết định gửi về cơ quan Hậu cần tỉnh Thái Bình, giải quyết toàn bộ các chế độ về tài chính kinh tế của ông.

Ông Giá tại nhà Cựu chiến binh Làng Hữu Nghị Việt Nam. Nguồn: Đặng Thị Toàn.

Sau khi trở về cuộc sống đời thường, ông Giá tiếp tục nỗ lực vươn lên. Ông học lớp về chưng cất tinh dầu bạc hà của địa phương, rồi tham gia lớp chính trị ở huyện để nâng cao hiểu biết. Cuộc đời ông tiếp tục là một chuỗi những thử thách, ông có ba người con, nhưng một người đã mất vì di chứng chất độc da cam/điôxin – một di chứng đau lòng của chiến tranh. Người con thứ hai bị bệnh phổi, sức khỏe rất yếu. Chỉ còn lại cô con gái út là niềm an ủi. Bản thân ông, sau này đi khám, cũng được chẩn đoán là thương binh với thương tật 77%, một minh chứng nữa cho những hy sinh thầm lặng mà ông đã dành cho Tổ quốc.

Mái tóc đã bạc và ánh mắt vẫn rạng ngời của một người lính Cụ Hồ, ông Giá bộc bạch: "Lòng tôi lại trào dâng bao cảm xúc khi nghĩ về ngày 27 tháng 7 này. Chúng ta, những người lính may mắn trở về, không thể nào quên những đồng đội đã mãi mãi nằm lại. Họ là những anh hùng thầm lặng, đã hóa thân vào đất mẹ, để chúng ta có được hòa bình hôm nay. Chúng ta phải sống thật xứng đáng với sự hy sinh cao cả ấy, luôn đoàn kết, yêu thương và tiếp tục cống hiến cho quê hương”.

Cũng trong dòng cảm xúc ấy, ông Giá đặc biệt nhắc đến Làng Hữu nghị – nơi mà ông gọi là "Nơi ấm áp dành cho Cựu chiến binh bị ảnh hưởng chất độc da cam/điôxin và con em họ". Đối với ông, đây không chỉ là nơi ở mà còn là "Biểu tượng của sự sẻ chia, của tình đồng đội, tình người vẫn vẹn nguyên trong thời bình".

Tin, ảnh: ĐẶNG THỊ TOÀN

Bạn đang đọc bài viết Hồi ức về hạt cát trong cơn lốc thời đại tại chuyên mục Cơ quan Trung ương (487) của Trung ương hội Cựu chiến binh Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: 024 - 32444645 hoặc gửi về hòm thư btgccb@gmail.com