Lá trầu không chữa bệnh

Lá trầu không rất phổ biến ở nước ta. Theo y học cổ truyền lá trầu không có vị cay nồng, mùi thơm hắc, tính ấm, có tác dụng trừ phong, tiêu viêm, sát trùng, kháng khuẩn. Một số bài thuốc thường dùng:

Lá trầu không.

Trị đau nhức, cảm cúm: Lấy khoảng 5 lá trầu không nhúng vào rượu đánh cảm giảm đau nhức xương khớp, nhẹ đầu giảm các triệu chứng cảm cúm.

Chữa chứng ngứa, viêm nhiễm vùng kín: Lấy 1 nắm lá trầu không vò nát, thêm một chút muối, đun sôi với nước rồi ngồi xông vùng kín. Sau đó lấy nước lá trầu không để nguội, dùng rửa ngoài chống viêm, chống ngứa rất hiệu quả.

Sát khuẩn vết thương: Khi bị thương, vắt nước trầu không rửa vết thương rồi dùng lá trầu không sạch phủ lên, băng lại hoặc có thể lấy lá trầu không nấu nước rửa vết thương hằng ngày vết thương sẽ khô, kín miệng.

Chữa nước ăn chân: Lấy lá trầu không 8g, lá ráy 50g thái nhỏ, đổ ngập nước, đun sôi để nguội rồi ngâm chân. Hoặc lấy một nắm lá trầu không đun sôi để nguội ngâm chân cũng rất hiệu nghiệm.

Chữa nhức đầu do thay đổi thời tiết: Lấy 5 lá trầu, rửa sạch giã dập rồi xoa vào thái dương hay đỉnh đầu sẽ có tác dụng giảm đau và dịu cơn nhức đầu.

Thông tia sữa: Sau khi sinh, sản phụ cương sữa, lấy lá trầu không hơ nóng, áp vào bầu vú, giúp sữa xuống nhanh giảm đau nhức. Hoặc, có thể lấy lá trầu không tẩm một chút dầu gió áp vào bầu vú sẽ kích thích sữa chảy nhanh và tuần hoàn dòng sữa..

Chữa viêm họng: Khi viêm đau họng lấy 5 lá trầu không rửa sạch giã nát chắt lấy nước, thêm mật ong rồi ngậm có thể nuốt từ từ.

Lá trầu không cũng thường được dùng để điều trị viêm khớp, kháng nấm. Đắp bột lá trầu không giúp loại bỏ nhiễm trùng nấm ở vùng bị ảnh hưởng.

Nguồn: cuuchienbinh.vn

Bạn đang đọc bài viết Lá trầu không chữa bệnh tại chuyên mục Đời sống CCB của Trung ương hội Cựu chiến binh Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: 024 - 32444645 hoặc gửi về hòm thư btgccb@gmail.com