Tên lửa Nga. Ảnh minh họa: Bộ Quốc phòng Nga
Trong khi giao tranh đang diễn ra khốc liệt ở các mặt trận thuộc miền Đông Ukraine (với ưu thế có phần nghiêng về phía Nga), ngày 06/8/2024, Quân đội Ukraine bất ngờ tấn công và chiếm giữ một khu vực rộng lớn ở tỉnh Kursk của Nga, đẩy cuộc xung đột lên nấc thang mới. Trong khi đó, Mỹ và phương Tây được cho là đã “bật đèn xanh” cho Ukraine sử dụng vũ khí chính xác, tầm xa để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Đáp lại, Moscow lần đầu tiên phóng tên lửa đạn đạo tầm trung siêu thanh mới Oreshnik vào thành phố Dnipro của Ukraine. Đặc biệt, chính quyền sắp mãn nhiệm của Tổng thống Biden “viện trợ khẩn cấp” cho Kiev nhiều hệ thống vũ khí tiến công chính xác, tầm xa và các hệ thống phòng không tiên tiến. Điều đó không chỉ làm cho cục diện xung đột Nga - Ukraine thêm phức tạp, khó lường, mà còn đẩy quan hệ giữa Nga với Mỹ và các nước thành viên khác trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đến nguy cơ “đối đầu toàn diện”.
Năm 2024, giao tranh giữa Israel và Hamas tiếp tục gia tăng về tính chất và cường độ; trong đó, Quân đội Israel cơ bản kiểm soát được cục diện chiến trường; thực hiện không kích vào lãnh thổ Lebanon (cuối tháng 9/2024) và chiến dịch trên bộ “có giới hạn” vào miền Nam Lebanon (01/10/2024), phá hủy nhiều cơ sở quân sự của lực lượng Hezbollah tại nước này. Trong khi đó, quan hệ Iran - Israel diễn biến căng thẳng sau khi Tel Aviv sát hại nhiều thủ lĩnh cấp cao của lực lượng “ủy nhiệm” thân Iran; thậm chí cả Iran và Israel đều tiến hành các chiến dịch tiến công đáp trả lẫn nhau khiến chiến tranh có nguy cơ lan rộng ra toàn khu vực. Tuy nhiên, ngày 27/11/2024, theo đề xuất của Mỹ và Pháp, Israel và Hezbollah đã đạt được một thỏa thuận ngừng bắn. Mặc dù được coi là động thái đột phá, mở đường cho việc chấm dứt xung đột xuyên biên giới, nhưng cũng rất mong manh và có thể đổ vỡ bất cứ lúc nào nếu các bên không thực sự có thiện chí.
Ngày 19/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh phê duyệt học thuyết hạt nhân mới năm 2024. Theo đó, học thuyết mới bổ sung tình huống thứ 5 là: “Moscow có thể sử dụng vũ khí hạt nhân nếu nước này nhận được “thông tin đáng tin cậy” về một vụ triển khai máy bay, hoặc phóng tên lửa hay máy bay không người lái và các loại máy bay khác của đối phương trên diện rộng, nhằm vào lãnh thổ Liên bang Nga, vượt qua biên giới Nga hoặc đồng minh Belarus”. Học thuyết mới cũng chỉ rõ: bất kỳ hành động gây hấn nào của một quốc gia thuộc liên minh quân sự chống Nga hoặc các đồng minh sẽ được coi là hành động gây hấn của toàn bộ liên minh đó, v.v. Học thuyết hạt nhân mới được Nga thông qua trong bối cảnh quan hệ giữa Nga với Mỹ và NATO đang “chạm đáy” kể từ sau “Chiến tranh lạnh” khiến dư luận hết sức lo ngại. Đây là bước đi giúp Nga tăng cường bảo vệ an ninh, lợi ích quốc gia và chủ quyền lãnh thổ, nhưng cũng đối diện với nhiều rủi ro và có thể mở ra cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân giữa các cường quốc, đe dọa tới an ninh toàn cầu.
Ngày 05/3/2024, lần đầu tiên EU công bố chiến lược công nghiệp quốc phòng nhằm chuyển ngành công nghiệp quốc phòng sang trạng thái thời chiến. Đây là nỗ lực của EU nhằm chuyển từ các phản ứng khẩn cấp ban đầu trước cuộc xung đột Nga - Ukraine sang cải thiện sự sẵn sàng của ngành công nghiệp quốc phòng trong dài hạn. Trong một động thái nhằm tăng cường năng lực quốc phòng, 18 quốc gia thành viên EU đã ký một ý định thư tập trung vào việc cùng chia sẻ chi phí phát triển các hệ thống phòng thủ chung. Theo báo cáo của Cơ quan Quốc phòng châu Âu (EDA), các quốc gia thành viên thể hiện quyết tâm nâng cao năng lực quốc phòng khi chi tiêu quân sự tăng 30% so với năm 2021, với khoản đầu tư dự kiến 326 tỉ euro trong năm 2024, tương đương 1,9% tổng sản phẩm quốc nội của EU. Đây là một con số ấn tượng cho thấy sự cam kết nghiêm túc của châu lục này trong việc tăng cường an ninh, song cũng gây nhiều quan ngại trong cộng đồng quốc tế.
Tình hình bán đảo Triều Tiên diễn biến căng thẳng khi cả Triều Tiên và Hàn Quốc tăng cường răn đe quân sự vào nhau. Đáng chú ý, ngày 17/10/2024, Triều Tiên quyết định sửa đổi Hiến pháp theo hướng chính thức từ bỏ mục tiêu thống nhất hai miền Triều Tiên và coi Hàn Quốc là “quốc gia thù địch”; đồng thời, phá hủy các tuyến đường bộ, đường sắt nối với Hàn Quốc. Về phía Hàn Quốc, Seoul tuyên bố đình chỉ hoàn toàn Thỏa thuận quân sự liên Triều; tăng cường thắt chặt quan hệ đồng minh và từng bước cơ chế hóa khả năng răn đe hạt nhân với Mỹ. Theo các nhà phân tích quốc tế, hiện tại quan hệ liên Triều gần như không thể đối thoại trong tương lai gần và nhiều khả năng hai bên sẽ giữ cho “nhiệt độ” không nóng lên thành xung đột.
Biển Đỏ là một trong những tuyến đường hàng hải quan trọng nhất thế giới, tuy nhiên năm 2024, vùng biển này đã trở thành tâm điểm của hàng loạt cuộc tấn công, chủ yếu là của lực lượng Houthi ở Yemen. Các cuộc tấn công không chỉ nhằm vào các tàu hàng ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, mà còn đe dọa an ninh khu vực và quốc tế. Trước mối đe dọa này, Mỹ, Anh cùng một số đồng minh đã hợp lực phát động chiến dịch không kích vào các mục tiêu của Houthi tại Yemen, nhằm kiềm tỏa và tiêu diệt tổ chức này. Giới chuyên gia an ninh quốc tế nhìn nhận, để ngăn chặn hoàn toàn khả năng phát động các cuộc tấn công của Houthi, chiến dịch không kích của Mỹ và đồng minh có thể phải kéo dài trong nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm; đồng thời, phải kết hợp sử dụng nhiều biện pháp khác.
Ngay từ đầu năm (ngày 04/01/2024), tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã lên tiếng nhận trách nhiệm về 02 vụ nổ diễn ra ngày 03/01/2024 khiến hơn 100 người chết, gần 300 người bị thương tại một buổi lễ tại thành phố Kerman, miền Đông Nam Iran. Tiếp đó, ngày 22/3/2024, IS đã tiến hành vụ xả súng, ném bom xăng tại ngoại ô Moscow, khiến 145 người chết, 551 người bị thương. Những kẻ tấn công mặc đồ ngụy trang xả súng vào đám đông tham gia sự kiện của ban nhạc Picnic ở nhà hát Crocus City Hall tại Krasnogorsk - thành phố tiếp giáp phía Tây thủ đô Moscow của Nga. Đây là một trong những vụ tấn công khủng bố gây thương vong nặng nề nhất tại Nga suốt hàng chục năm qua. Cũng trong năm 2024, các “chân rết” IS đã gây ra nhiều cuộc tấn công khủng bố tại nhiều nơi khác, như: Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, Mozambique, Afghanistan, Nigeria, Oman, v.v.
Theo cập nhật của chỉ số Khủng bố Toàn cầu (GTI) cho thấy, số ca tử vong do khủng bố đã tăng cao nhất kể từ năm 2017. Trước tình hình bất ổn tại Trung Đông và nhiều khu vực trên thế giới hiện nay, theo các chuyên gia an ninh, các đe dọa về khủng bố trong thời gian tới sẽ ngày càng gia tăng cả về số vụ và mức độ.
Sau hơn một tuần giao tranh ác liệt, ngày 08/12/2024, lực lượng nổi dậy do nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS) dẫn đầu đã tuyên bố giải phóng thủ đô Damascus, chính thức đặt dấu “chấm hết” cho chế độ của dòng họ al-Assad ở Syria. Giới phân tích quốc tế cho rằng, sự lệ thuộc quá nhiều vào trợ giúp từ bên ngoài, yếu kém về tinh thần và khả năng chiến đấu rệu rã của quân đội chính là nguyên nhân khiến chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ nhanh chóng. Theo các chuyên gia quân sự quốc tế, những diễn biến nhanh chóng tại Syria đã làm thay đổi rất cơ bản cục diện địa chiến lược, tác động mạnh mẽ đến chiều hướng diễn biến những cuộc chiến tranh và xung khắc với nhiều bên với nhau ở khu vực này.
Ngày 07/3/2024, Thụy Điển chính thức gia nhập và trở thành thành viên thứ 32 của NATO, sau hơn 200 năm giữ trạng thái trung lập. Với việc gia nhập NATO, Thụy Điển có trách nhiệm thực hiện theo các điều khoản quy định của Khối, nhưng cũng được “hưởng lợi từ sự bảo đảm phòng thủ chung của Liên minh”. Theo Điều 5 của Hiệp ước: “Một cuộc tấn công vào một thành viên được coi là tấn công vào tất cả Liên minh”. Các lãnh đạo của NATO ca ngợi việc Thụy Điển trở thành thành viên của liên minh là một “cột mốc lịch sử”; đồng thời, bày tỏ sự tin tưởng “lực lượng vũ trang Thụy Điển có năng lực và ngành công nghiệp quốc phòng hạng nhất sẽ giúp NATO mạnh hơn, giúp Thụy Điển an toàn hơn và toàn bộ liên minh an toàn hơn”. Việc Phần Lan gia nhập NATO năm 2023, tiếp đó là Thụy Điển - hai quốc gia có hàng trăm năm trung lập và có chung đường biên giới 1.340km với Nga đã, đang gây nhiều quan ngại trong cộng đồng quốc tế.
Trong năm 2024, NATO tổ chức nhiều cuộc tập trận quy mô lớn, nổi bật là cuộc tập trận Steadfast Defender, với sự tham gia của khoảng 90.000 binh sĩ, 1.100 phương tiện chiến đấu, kéo dài từ cuối tháng 01/2024 đến hết tháng 5/2024 và cuộc tập trận hải quân Baltops 2024 (từ ngày 04 đến 22/6/2024) ở Biển Baltic, có quy mô lớn nhất, với sự tham gia của 50 tàu chiến, 45 máy bay chiến đấu, khoảng 9.000 người, trong đó có 4.000 quân nhân của 21 nước thành viên.
Năm 2024, Mỹ cũng tổ chức nhiều cuộc tập trận quy mô lớn với đồng minh và đối tác tại nhiều khu vực, đáng chú ý là cuộc tập trận chung đầu tiên Mỹ - Anh - Australia trong khuôn khổ AUKUS. Mỹ cũng phối hợp với Australia và Canada tổ chức các cuộc tập trận hỗn hợp với Hàn Quốc và Nhật Bản nhằm nâng cao khả năng phối hợp đối phó với các thách thức khu vực. Ngoài Mỹ và NATO, Trung Quốc cũng tổ chức nhiều cuộc tập trận quy mô lớn, trong đó có các cuộc tập trận liên hợp các quân, binh chủng, tạo khả năng “răn đe mạnh mẽ” với các đối thủ. Nga cũng tổ chức nhiều cuộc tập trận quy mô lớn, đáng chú ý là cuộc tập trận hạt nhân chiến thuật chung Nga - Belarus từ 21/5/2024 đến cuối tháng 6/2024, nhằm “duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị vận hành vũ khí hạt nhân chiến thuật”. Tiếp đó là cuộc tập trận hải quân chiến lược Ocean-2024 quy mô lớn được tổ chức đồng thời tại Thái Bình Dương, Bắc Băng Dương, Địa Trung Hải, Biển Caspi và Biển Baltic, với sự tham gia của hơn 400 tàu chiến, khoảng 120 máy bay và trên 90.000 người; Trung Quốc cử 04 tàu chiến và 15 máy bay tham gia cuộc tập trận này. Theo Tổng thống Nga Putin, mục đích của cuộc tập trận hải quân chiến lược là nhằm đánh giá khả năng sẵn sàng chiến đấu của hải quân và không quân Nga; đồng thời, kiểm tra khả năng tương tác của các lực lượng Nga trong tác chiến liên hợp.
Nguồn: Tạp chí Quốc phòng toàn dân