Nhận biết dấu hiệu đột quỵ giúp chúng ta phát hiện sớm bệnh lý để tận dụng khung giờ vàng đưa bệnh nhân đến bệnh viện cấp cứu kịp thời. BE FAST là cụm từ bao gồm 6 chữ cái, mỗi chữ mô tả một dấu hiệu:
B (Blance)là triệu chứng khi bệnh nhân đột ngột mất thăng bằng, chóng mặt, đau đầu dữ dội và mất khả năng phối hợp vận động.
E (Eyesight)là bệnh nhân bị mờ mắt (giảm thị lực) hoặc mất hoàn toàn thị lực của 1 hoặc cả 2 mắt.
F (Face)là dấu hiệu liệt mặt, một bên mặt của bệnh nhân có thể bị xệ xuống, miệng méo.
A (Arms)là dấu hiệu ở tay, bệnh nhân có thể bị yếu hoặc liệt một bên tay, không thể cầm nắm các đồ vật.
S (Speak)là khả năng ngôn ngữ, bệnh nhân không thể nói chuyện bình thường, nói nhịu giọng, nói ngọng.
T (Time)là thời gian. Khi phát hiện các dấu hiệu của đột quỵ thì cần nhanh chóng tận dụng “khung giờ vàng” đưa bệnh nhân đến bệnh viện để bác sĩ cấp cứu kịp thời.
Nhận biết triệu chứng của đột quỵ với bệnh thông thường
Các triệu chứng của đột quỵ thường dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Tuy nhiên, người dân cần đặc biệt chú ý đến dấu hiệu mất thăng bằng, chóng mặt bất thường, đi loạng choạng, khó phối hợp tay chân vì đây là dấu hiệu dễ bị nhầm với hội chứng tiền đình.
Ngoài ra, đau đầu dữ dội một cách bất thường cũng cần chú ý, bởi tình trạng này thường gặp ở giới trẻ nhưng dễ bị bỏ qua. Nhiều người trẻ chủ quan chỉ nghĩ bản thân bị đau đầu do uống 1-2 chén rượu, thay đổi thời tiết, uống cà phê… nên không đến viện. Điều này khiến bệnh nhân có thể bị đột tử hoặc hôn mê sâu. Do đó, nếu các dấu hiệu trên xuất hiện kèm với tình trạng liệt mặt, yếu tay chân, nhìn mờ, người bệnh cần đến bệnh viện để thăm khám.
Mỗi bệnh nhân khác nhau sẽ có thời điểm vàng khác nhau. Tuy nhiên, khung giờ vàng khuyến cáo chung cho tất cả mọi người là 3-3,5 giờ. Bệnh nhân cần đến bệnh viện trước khung giờ này để dùng thuốc tái thông mạch máu não. Sau khung giờ vàng, các nhu mô não đã bị tổn thương và hoại tử, không thể điều trị được.
Hiện nay, đột quỵ có xu hướng gia tăng do ảnh hưởng từ môi trường sống, thói quen không lành mạnh hoặc những người mắc đái tháo đường, tăng huyết áp, béo phì… cũng làm gia tăng nguy cơ mắc đột quỵ.
Cách tốt nhất để phòng ngừa đột quỵ là khám định kỳ để điều trị sớm và kiểm soát chặt chẽ các yếu tố nguy cơ gây ra đột quỵ.
Thành An