Đắk Lắk

Kinh nghiệm sau 3 năm hoạt động Câu lạc bộ CCB tham gia bảo vệ môi trường tại huyện Cư Kuin tỉnh Đắk Lắk

Được Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh giao nhiệm vụ phối hợp với ủy ban nhân dân các xã thành lập Câu lạc bộ CCB tham gia bảo vệ môi trường. Vừa qua, sau 3 năm hoạt động, Hội CCB huyện Cư Kuin tổ chức Hội nghị sơ kết đánh giá kết quả thực hiện, rút ra bài học kinh nghiệm để triển khai trên địa bàn tỉnh.

Tham dự và chỉ đạo Hội nghị có lãnh đạo Hội CCB tỉnh; Thường trực huyện hội và đại biểu các ban, Văn phòng Tỉnh hội, đại biểu Hội CCB các hội cơ sở, bí thư chi bộ, thôn, buôn trưởng, chi hội trưởng, chủ nhiệm các câu lạc bộ Cựu chiến binh bảo vệ môi trường thuộc địa bàn các xã có các câu lạc bộ hoạt động và đại biểu Hội CCB huyện Cư M’gar, Ea Kar đến học tập kinh nghiệm để triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Ba năm qua, để có môi trường xanh, sạch, đẹp ở các thôn, buôn, cán bộ, hội viên và nhân dân đã đóng góp trên 1 tỷ đồng, hiến 15.282 m2 đất, đóng góp hơn 1000 ngày công lao động; trồng trên 1000 cây xanh tại các trụ sở làm việc thôn, xã và hai bên đường giao thông, thu gom hàng trăm tấn rác thải, góp phần thực hiện mục tiêu: Môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp.

Thượng tượng Phạm Hồng Hương, Phó Chủ tịch Hội CCB Việt Nam tham quan mô hình
Thượng tượng Phạm Hồng Hương, Phó Chủ tịch Hội CCB Việt Nam tham quan mô hình "Câu lạc bộ CCB tham gia bảo vệ môi trường tại thôn 1, xã Ea Bhôk, huyện Cư Kuin (Ảnh: Hoàng Văn Huấn)

Bên cạnh đó, Hội nghị cũng chỉ ra những khó khăn, vướng mắc cần phải tháo gỡ đó là:

- Câu lạc bộ do UBND xã quyết định thành lập, lấy lực lượng CCB làm nòng cốt nhưng người đứng đầu câu lạc bộ do bí thư chi bộ, hoặc thôn trưởng nên sự phối hợp giữa chi bộ, ban tự quản với lực lượng CCB tham gia câu lạc bộ còn có mặt hạn chế.

- Ban chủ nhiệm và các thành viên hoạt động tự nguyện, không có kinh phí, trong lúc hoạt động vệ sinh môi trường rất nhiều nội dung chi, dẫn đến các thành viên trong ban chủ nhiệm không nhiệt tình với công việc được giao, việc duy trì hoạt động của câu lạc bộ không được liên tục, thường xuyên. Hội CCB huyện, xã phải trích tiền hoạt động thường xuyên để hỗ trợ cho các câu lạc bộ triển khai thực hiện các hoạt động thu gom rác.

Hội nghị cũng rút ra những kinh nghiệm quý báu trong quá trình hoạt động của các câu lạc bộ nhằm tạo tiền đề cho những đơn vị sau này triển khai thành lập các câu lạc bộ: 

Thứ nhất: Hội Cựu chiến binh xã phải là người trực tiếp tham mưu cho Đảng ủy, phối hợp với UBND các xã và thôn, buôn xây dựng chương trình, kế hoạch, quy chế hoạt động ... sát thực tế, phù hợp với từng địa phương và chức năng, nhiệm vụ của câu lạc bộ, đồng thời, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, ban tự quản, đoàn thể ở thôn, buôn để vận động nhân dân tham gia thực hiện chương trình hoạt động của câu lạc bộ

Thứ hai: Hội viên CCB được bầu vào ban chủ nhiệm câu lạc bộ phải chủ động tham mưu cho cấp ủy, ban tự quản mà chủ yếu là đồng chí bí thư chi bộ, thôn, buôn về các hoạt động của câu lạc bộ để được sự ủng hộ, tạo điều kiện của cấp ủy, ban tự quản trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ. 

Thứ ba: Các thành viên là hội viên CCB trong câu lạc bộ phải là những người gương mẫu có tinh thần trách nhiệm cao, tự giác thực hiện nhiệm vụ làm nòng cốt trong phong trào, để tuyên truyền vận động hội viên và nhân dân tham gia.

Thứ tư: Hội CCB huyện và cơ sở phải tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các hoạt động của các câu lạc bộ, để kịp thời rút kinh nghiệm chấn chỉnh những hạn chế và chỉ đạo cho ban chủ nhiệm triển khai thực hiện có hiệu quả quy chế hoạt động của câu lạc bộ.

Hội nghị  sơ kết hoạt động Câu lạc bộ CCB tham gia bảo vệ môi trường giai đoạn 2020 - 2023
Hội nghị sơ kết hoạt động Câu lạc bộ CCB tham gia bảo vệ môi trường giai đoạn 2020 - 2023 (Ảnh: Hoàng Văn Huấn)

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh Bùi Văn Bang ghi nhận những kết quả bước đầu đã đạt được, biểu dương Hội CCB huyện và cơ sở đã thường xuyên bám sát chỉ đạo, hướng dẫn các câu lạc bộ hoạt động đúng hướng, chia sẻ những khó khăn, trao đổi về các kiến nghị của đại biểu; đồng thời xác định những nội dung, biện pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới. Trong đó tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp với các tổ chức đoàn thể cùng cấp để làm tốt việc  tuyên truyền, vận động người dân hưởng ứng tham gia bảo vệ mội trường và chương trình của CCB, tham mưu, đề xuất UBND cấp xã về chủ trương vận động kinh phí từ mạnh thường quân và người dân trên địa bàn, tham mưu, đề xuất mức thu phí vệ sinh môi trường, mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác thu gom rác thải vệ sinh môi trường. Giao cho Hội CCB huyện Cư Kuin làm việc với công ty môi trường huyện để phối hợp tạo điều kiện thiết bị cho các câu lạc bộ bảo vệ môi trường hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương Hội CCB Việt Nam và các đại biểu tại  Lễ công bố Quyết định thành lập Câu lạc bộ CCB tham gia bảo vệ môi trường Chi hội tổ dân phố 6, thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M'gar
Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương Hội CCB Việt Nam và các đại biểu tại Lễ công bố Quyết định thành lập Câu lạc bộ CCB tham gia bảo vệ môi trường Chi hội tổ dân phố 6, thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M'gar

Từ kinh nghiệm của Hội CCB huyện Cư Kuin, Hội CCB các huyện, thành phố, thị xã vận dụng nhân rộng mô hình CCB tham gia bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới./.

Phạm Đình Trường - Chủ tịch Hội CCB huyện Cư kuin

Bạn đang đọc bài viết Kinh nghiệm sau 3 năm hoạt động Câu lạc bộ CCB tham gia bảo vệ môi trường tại huyện Cư Kuin tỉnh Đắk Lắk tại chuyên mục Tỉnh thành Hội của Trung ương hội Cựu chiến binh Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: 024 - 32444645 hoặc gửi về hòm thư btgccb@gmail.com