Tin nhanh: Thứ Ba, ngày 09/5/2023

PHẦN I: VIỆT NAM

+ Trung Quốc tăng nhập rau quả Việt Nam (Tin từ Trung Quốc - 8/5). Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, 4 tháng đầu năm 2023, giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 1,39 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu rau quả trong tháng 4 tăng đột biến gần hai lần.

Hiện Trung Quốc vẫn đang dẫn đầu về tiêu thụ hàng rau quả của Việt Nam với 58,7% thị phần, đạt giá trị 576,4 triệu USD trong 3 tháng đầu năm 2023, tăng 27,4% so với cùng kỳ năm 2022. Lào, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng tăng cường nhập trái cây Việt Nam, trong đó, xuất khẩu rau quả sang Lào tăng mạnh nhất, gấp 2,8 lần.

Đáng chú ý, chỉ riêng tại cửa khẩu Hà Khẩu - Lào Cai dịp nghỉ lễ 1/5 vừa qua, Hải quan tỉnh Lào Cai đã thực hiện thủ tục thông quan cho lượng hàng hóa nông sản xuất khẩu có trị giá gần 5 triệu USD, với tổng trọng lượng hàng hóa nông sản hơn 10.000 tấn. Thanh long là mặt hàng có trọng lượng và kim ngạch lớn nhất với 3.816 tấn, kim ngạch hơn 2,8 triệu USD. Các mặt hàng nông sản xuất khẩu đáng chú ý khác gồm: sắn lát khô, xoài, dưa hấu, mít…

PHẦN II: CÁC TIN QUỐC TẾ NỔI BẬT

INDONESIA VÀ SINGAPORE LÊN ÁN VỤ TẤN CÔNG NHẰM VÀO ĐOÀN XE VIỆN TRỢ NHÂN ĐẠO CỦA ASEAN Ở MYANMAR

(Reuters - 9/5). Ngày 8/5, Indonesia và Singapore lên án vụ tấn công đoàn xe chở hàng viện trợ nhân đạo của các quan chức ASEAN tới Myanmar, xảy ra tại thị trấn Hsi Hseng ở phía tây bang Shan của Myanmar; đồng thời kêu gọi chấm dứt bạo lực tại Myanmar.

Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia Teuku Faizasyah, không rõ ai đứng sau vụ việc. Trong khi đó, Tổng thống Indonesia Joko Widodo nói “vụ nổ súng” sẽ không ngăn cản những nỗ lực của Indonesia và ASEAN nhằm thúc đẩy hòa bình ở Myanmar; nhấn mạnh: “hãy ngưng sử dụng vũ lực và chấm dứt bạo lực vì chính người dân sẽ là nạn nhân”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Singapore cho biết hai nhân viên của Đại sứ quán Singapore tại Yangon có mặt trên đoàn xe đó đã trở về an toàn; đồng thời khẳng định “chỉ những đối thoại mang tính xây dựng giữa các bên liên quan chính ở Myanmar mới có thể tạo điều kiện cho một giải pháp hòa bình, vì lợi ích của người dân Myanmar”.

Lực lượng Chính phủ Thống nhất Quốc gia (NUG) Myanmar cho biết không liên quan đến vụ việc. Lực lượng Phòng vệ Nhân dân (PDF), tổ chức dân quân chống chính quyền quân đội Myanmar, cũng không đưa ra ngay bình luận.

NGOẠI TRƯỞNG TRUNG QUỐC TẦN CƢƠNG GẶP ĐẠI SỨ MỸ TẠI TRUNG QUỐC NICHOLAS BURNS

(Tin từ Vụ Châu Mỹ (BNG), AFP - 8/5). Ngày 8/5, tại Bắc Kinh, Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương đã gặp Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Nicholas Burns, thảo luận về quan hệ song phương.

Đây là cuộc gặp giữa quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc với đại diện của Mỹ kể từ khi Washington cáo buộc Bắc Kinh sử dụng khinh khí cầu để do thám Mỹ vào tháng 2/2023.

Ngoại trưởng Tần Cương khẳng định quan hệ Trung Quốc và Mỹ có vai trò quan trọng đối với hai nước và thế giới; cho rằng hai nước cần hợp tác để đưa quan hệ trở lại đúng hướng; nhấn mạnh Bắc Kinh và Washington nên đặt vấn đề ổn định quan hệ song phương là ưu tiên hàng đầu, tránh rơi vào vòng xoáy đi xuống và ngăn chặn bất đồng.

Trên Twitter, Đại sứ Nicholas Burns khẳng định sự cần thiết của việc ổn định quan hệ và mở rộng kênh liên lạc cấp cao giữa Mỹ và Trung Quốc và cho biết hai bên đã thảo luận về những thách thức trong quan hệ Mỹ-Trung.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel cho biết Đại sứ Nicholas Burns đã trao đổi về các lĩnh vực hai bên có thể hợp tác như biến đổi khí hậu, y tế và an ninh lương thực; Đại sứ Burns đã truyền đạt ý kiến cá nhân rằng sẽ không có sự thay đổi nào trong chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc, đặc biệt là chính sách “Một Trung Quốc”.

EU ĐỀ XUẤT BIỆN PHÁP TRỪNG PHẠT NGA VÀ CÁC CÔNG TY TRUNG QUỐC

(Tin từ Italia, Nga, Ucraina - 8/5). Đại diện thường trực của 27 quốc gia thành viên EU sẽ thảo luận vào ngày 10/5 với mục tiêu thông qua gói trừng phạt thứ 11 nhằm vào Nga trước cuối tháng 5/2023. Theo đó, EU đưa ra kế hoạch tạo ra khả năng pháp lý để hạn chế xuất khẩu sang các nước thứ ba như một biện pháp ngăn chặn trong các trường hợp nghi ngờ lách lệnh trừng phạt chống Nga.

Nếu các biện pháp này là không đủ, thì ở giai đoạn thứ hai, EU có thể đưa ra lệnh cấm xuất khẩu một số loại hàng hóa; đặc biệt chú trọng đến các sản phẩm lưỡng dụng như các thiết bị nhìn đêm được dùng trong dân sự (thợ săn ban đêm), cũng như được sử dụng với mục đích quân sự.

Bên cạnh đó, EU lần đầu tiên chuẩn bị đưa 7 công ty Trung Quốc vào danh sách trừng phạt do nghi vấn cung cấp thiết bị cho Nga sử dụng vào mục đích quân sự; trong đó có Semiconductors, King-Pai Technology, Sinno Electronics và Sigma Technology có trụ sở ở Hồng Kông.

Ngày 8/5, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết Trung Quốc phản đối bất kỳ biện pháp nào sử dụng quan hệ Bắc Kinh-Moscow như một “cái cớ” để gây tổn hại cho hợp tác thương mại; nhấn mạnh các biện pháp trừng phạt của EU có thể làm suy yếu nghiêm trọng sự tin tưởng và hợp tác lẫn nhau giữa EU và Trung Quốc.

LIÊN ĐOÀN Ả-RẬP THÀNH LẬP UỶ BAN LIÊN LẠC VỀ SUDAN

(Tin từ Ai Cập - 8/5). Ngày 7/5, trong cuộc họp khẩn cấp của Liên đoàn Ả-rập (AL), các Ngoại trưởng Ả-rập đã đồng ý thành lập một Ủy ban liên lạc để có thể sắp xếp được lệnh ngừng bắn ở Sudan và lập ra các hành lang nhân đạo bảo đảm nhu cầu của dân thường. Ủy ban cũng nhằm mục đích bảo vệ các tổ chức nhà nước ở Sudan không bị sụp đổ.

Ngoại trưởng Ai Cập Shoukry cho biết quyết định thành lập Ủy ban liên lạc về Sudan cho thấy AL đang gấp rút hành động để khôi phục đối thoại chính trị ở Sudan; nhấn mạnh cần phải ưu tiên lợi ích và an ninh của Sudan. Các cuộc đụng độ ở Sudan đã và đang ảnh hưởng đến các nước láng giềng - đặc biệt là Ai Cập - và các quốc gia khác trong khu vực có mối quan hệ phức tạp với Sudan. Ai Cập đã tiếp nhận một lượng lớn người Sudan sơ tán khỏi các cuộc xung đột giữa Lực lượng vũ trang Sudan (SAF) và Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF).

MỸ ĐỂ NGỎ KHẢ NĂNG CẢI TỔ THỬ NGHIỆM WTO

(Tin từ Mỹ - 8/5). Ngày 8/5 đã diễn ra một cuộc thảo luận giữa các nước thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), trong đó việc cải tổ WTO chiếm phần lớn thời lượng cuộc họp. Đại diện thương mại Mỹ tại WTO Maria Pagan bày tỏ ủng hộ với việc thúc đẩy một thử nghiệm đối với các cải cách của WTO, thay vì cách tiếp cận cứng nhắc là thực hiện các cải tổ chính thức và
sau đó thay đổi nếu không phù hợp.

Người phát ngôn của WTO Daniel Pruzin cho biết các thành viên của WTO hoan nghênh 6 đề xuất được đưa ra tại cuộc họp, nhưng nhiều thành viên vẫn đang xem xét chi tiết các đề xuất này. Ông Pruzin đề nghị các thành viên cho phép nhân viên WTO thực hiện một số ý tưởng trên cơ sở thử nghiệm, nhưng không nêu rõ ý tưởng nào.

Chủ tịch Đại hội đồng WTO, Đại sứ Botswana Lesiba Molokomme cho biết sẽ tổ chức mộ cuộc họp kín không chính thức khác về cải cách WTO vào tháng 6/2023, trong đó các nước sẽ tập trung vào chức năng thảo luận của WTO và có khả năng bao gồm một số cải cách thủ tục mà các thành viên đã đề xuất.

ARMENIA VÀ AZERBAIJAN NỐI LẠI ĐÀM PHÁN HOÀ BÌNH TẠI BRUSSELS

(Financial Times - 8/5). Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel sẽ tổ chức một cuộc họp vào ngày 14/5 tại Brussels giữa Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev và Thủ tướng Armenia Niko Pashinyan. Đây sẽ là lần đầu tiên hai nhà lãnh đạo gặp mặt trực tiếp kể từ cuộc hội đàm tại Munich vào tháng 2/2023. Các cuộc đàm phán có thể sẽ tập trung vào quyết định gần đây của Azerbaijan về việc thiết lập một trạm kiểm soát trên hành lang Lachin, lối đi duy nhất từ Armenia đến Nagorno-Karabakh. Họ cũng sẽ thảo luận về phân định biên giới, trao đổi tù nhân và nỗ lực loại bỏ hàng nghìn quả mìn rải rác trong vùng đất này.

Tuần trước, Ngoại trưởng Azerbaijan và Armenia đã có các cuộc thảo luận sâu rộng tạ Washington. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết các cuộc đàm phán "đạt được tiến bộ rõ ràng về một thỏa thuận hòa bình lâu dài" và tin rằng "một thỏa thuận sẽ đạt được trong tầm tay".

PHẦN III: CÁC TIN KHÁC

+ Nga chuẩn bị kỷ niệm Ngày Chiến thắng 9/5 (Tin từ Nga - 8/5). Theo Văn phòng Tổng thống Nga, lễ kỷ niệm 78 năm Ngày Chiến thắng sẽ diễn ra vào ngày 9/5 như dự kiến tại Quảng trường Đỏ ở Thủ đô Moscow. Bộ Quốc phòng Nga cho biết, Lễ duyệt binh năm 2023 có sự tham gia của hơn 10.000 quân nhân và khoảng 125 phương tiện, khí tài. Theo chính quyền Moscow, hơn 20.000 nhân viên an ninh, lực lượng cảnh sát, lực lượng vệ binh quốc gia đã được huy động để đảm bảo an toàn trong dịp lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng năm nay ở thủ đô.

Quy mô Lễ duyệt binh tại Moscow có thể bị thu hẹp sau vụ tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào Điện Kremlin vào ngày 3/5. Theo một số thông tin của Phương Tây, 6 khu vựccủa Nga, Crưm và 21 thành phố đã quyết định hủy diễu binh năm 2023 do quan ngại về an ninh.

Trước thềm Lễ kỷ niệm Ngày chiến thắng 9/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gửi điện mừng tới lãnh đạo các nước Armenia, Azerbaijan, Belarus, Kazakhstan, Tajikistan, Kyrgyzstan Uzbekistan, Turkmenistan, Abkhazia, Nam Ossetia, cũng như nhân dân các nước Moldova và Gruzia. Ucraina không được đề cập trong danh sách này.

+ Các thành phố của Hà Lan chấm dứt kết nghĩa với các thành phố của Trung Quốc (Tin từ Hà Lan - 8/5). Trong 2 năm qua, ít nhất 8 thành phố và 2 tỉnh của Hà Lan đã hủy bỏ kế nghĩa với các thành phố hay địa phương Trung Quốc. Theo một khảo sát của NRC, nhiều thành phố khác cũng đang giảm bớt các hoạt động hợp tác trước khi chấm dứt. Lý do của việc các thành phố, địa phương của Hà Lan giảm hợp tác với Trung Quốc là để phản đối Chính phủ Trung Quốc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ, vi phạm dân chủ và nhân quyền và lợi ích kinh tế cũng chưa rõ ràng.

Chuyên gia Ties Dams của Viện Clingendael, người nghiên cứu về các thành phố kết nghĩa lâu nay cho rằng đây có thể là một ví dụ cụ thể về sự “mất kết nối” chính trị giữa phương Tây và Trung Quốc và Hà Lan muốn giảm “sự phụ thuộc vào Trung Quốc”, điều sẽ tạo ra “áp lực địa chính trị lớn" cho Hà Lan.

+ USTR công khai các đề xuất của Mỹ về môi trƣờng, lao động trong thương lượng IPEF (Tin từ Mỹ - 9/5). Ngày 8/5, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đã công khai các bản tóm tắt mới về các đề xuất của Mỹ trong vòng đàm phán thứ hai về Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương vì Thịnh vượng (IPEF) đối với các vấn đề lao động và môi trường.

Theo bản tóm tắt, về các vấn đề lao động, Mỹ sẽ yêu cầu các bên của IPEF “thông qua và duy trì các quyền lao động được quốc tế công nhận trong luật lao động của mình” và thúc đẩy “việc tuân thủ luật lao động thông qua các cam kết liên quan đến việc không vi phạm và thực thi hiệu quả luật lao động”. Mỹ cũng thúc đẩy một cơ chế hợp tác để giúp các bên hỗ trợ lẫn nhau trong việc đạt các mục tiêu lao động tham vọng và cơ chế giải quyết vấn đề lao động cưỡng bức trong chuỗi cung ứng. 

Về môi trường, Mỹ đề xuất một cam kết “không làm suy yếu hoặc giảm bớt các biện pháp bảo vệ có trong luật môi trường trong nước nhằm thu hút thương mại hoặc đầu tư” và các bên “thực thi hiệu quả luật môi trường tương ứng của họ”.

+ Tỷ lệ lạm phát trên thế giới (Tin từ Nga - 8/5). Đài Sputnik trích dẫn các dữ liệu thống kê cho thấy mức lạm phát thấp hơn Nga ở Châu Âu chỉ được ghi nhận tại Tây Ban Nha (3,3%), Liechtenstein (2,9%) và Thụy Sĩ (2,9%). Mức lạm phát cao nhất thế giới tính đến tháng 3/2023 được ghi nhận ở Li-băng (264%), Argentina (104,3%), Zimbabwe (87,6%), Suriname (59,4%) và Thổ Nhĩ Kỳ (50,5%). Pakistan lần đầu tiên vào nhóm 10 quốc gia dẫn đầu về tỷ lệ lạm phát hàng năm sau vài năm liên tiếp lạm phát 35,4%.

Tỷ lệ lạm phát cao tính đến tháng 3/2023 cũng được ghi nhận ở các quốc gia Châu Âu như Hungary (25,2%), Moldova (22%) và Ucraina (21,3%), trong khi mức lạm phát thấp nhất (0,7%) được ghi nhận trên toàn cầu là ở Trung Quốc.

Tháng 4/2023, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự kiến lạm phát toàn cầu giảm từ 8,7% năm 2022 xuống 7% vào năm 2023, trong đó, thế giới không đạt mức lạm phát mục tiêu cho đến năm 2025.

+ Việc Mỹ phát đi tín hiệu có thể làm việc với Trung Quốc về Ucraina là một tiến triển tích cực (Tin từ Mỹ - 8/5). Bài bình luận trên MSNBC cho rằng thái độ cởi mở của Mỹ trước khả năng làm việc với Trung Quốc về tình hình Ucraina là một tiến triển tích cực.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong trả lời phỏng vấn tờ Washington Post vào ngày 3/5 thể hiện thái độ cởi mở trong việc hợp tác với Trung Quốc về Nga; nói rằng: “Về nguyên tắc, điều đó không có gì sai nếu chúng ta có một quốc gia, cho dù đó là Trung Quốc hay các quốc gia khác có ảnh hưởng, sẵn sàng theo đuổi một nền hòa bình công bằng và lâu dài… Chúng tôi hoan nghênh điều đó và chắc chắn rằng Trung Quốc sẽ đóng một vai trò trong nỗ lực đó. Và điều đó có thể rất có lợi”. Ngoại trưởng Blinken cũng cho biết có những mục “tích cực” trong kế hoạch hòa bình 12 điểm mà Trung Quốc công bố vào tháng 2/2023.

Dù trong lời lẽ vẫn có những hoài nghi về cách tiếp cận của Trung Quốc, song phát biểu mới nhất của Ngoại trưởng Blinken đánh dấu sự thay đổi quan trọng so với thái độ phản đối trước đây.

Ngoại trưởng Blinken có thể đã được khích lệ một phần bởi cuộc điện đàm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với Tổng thống Ucraina Zelenskiy, mà ông gọi là “một điều tích cực”. Song xét rộng hơn, về thời điểm, phát biểu được đưa ra ngay trước đợt phản công mùa Xuân của Ucraina cho thấy Mỹ mong muốn có đàm phán để chấm dứt chiến tranh.

Mỹ cũng có một vài lợi ích khác khi tỏ ra cởi mở trong hợp tác với Trung Quốc, ngay cả khi không rõ liệu Trung Quốc có khả năng hay thậm chí có nghiêm túc hay không. Đầu tiên, Mỹ biết rằng đây có thể là cơ hội để tạo ra sự chia rẽ giữa Bắc Kinh và Moscow. Trita Parsi, Phó chủ tịch điều hành của Viện Nghiên cứu Quincy, có trụ sở ở Washington, Mỹ, nhận định nếu Mỹ gạt bỏ vai trò (ngoại giao trong chiến tranh) của Trung Quốc, sẽ đẩy Trung Quốc gần hơn với Nga; nếu so với kéo dài chiến sự thì hoà bình có lợi hơn cho Trung Quốc khi cứu vớt vị thế của Tổng thống Putin và giảm bất ổn trong khu vực.

Thứ hai, dù ý định giúp đàm phán của Trung Quốc ở mức độ nào, thì điều quan trọng là phải để ngỏ cánh cửa. Do các biện pháp trừng phạt quốc tế, Nga ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào việc mua bán năng lượng và thương mại với Trung Quốc. Tương tự Mỹ có thể áp đặt quan điểm lên Ucraina, Trung Quốc sẽ làm như vậy với Nga. Ngay cả khi Trung Quốc gần gũi hơn với Nga, việc có Bắc Kinh làm đối tác đàm phán có thể mang lại lợi thế chiến lược cho Mỹ.

Quan điểm của Trung Quốc về cuộc chiến nhìn chung vẫn phù hợp với lợi ích của Moscow, và cuộc nói chuyện về hòa giải sẽ vẫn là những lời lẽ sáo rỗng; nhưng sẽ chẳng mất gì khi để mở cánh cửa đối thoại. Chiến tranh không ngừng phát triển và nhận thức của Trung Quốc về hậu quả của chiến tranh cũng vậy. Mỹ có thể giúp thúc đẩy Trung Quốc đi theo hướng hòa bình bằng cách phát tín hiệu sẵn sàng đối thoại.

Bạn đang đọc bài viết Tin nhanh: Thứ Ba, ngày 09/5/2023 tại chuyên mục Tin tức & Sự kiện của Trung ương hội Cựu chiến binh Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: 024 - 32444645 hoặc gửi về hòm thư btgccb@gmail.com