Ngày 3/4, tại Hà Nội, Làng Hữu nghị Việt Nam (Hội Cựu chiến binh Việt Nam), tổ chức Lễ kỷ niệm 25 năm Ngày truyền thống (18/3/1998-18/3/2023) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì. Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Quốc phòng gửi lẵng hoa chúc mừng.
Tới dự, có Thượng tướng Bế Xuân Trường, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam; bà Rosemarie Hohn Mizo, Chủ tịch Ủy ban quốc tế Làng Hữu nghị Việt Nam.
Làng Hữu nghị Việt Nam có nhiệm vụ chăm sóc, điều dưỡng, chữa trị, giáo dục, dạy nghề cho các cựu chiến binh và trẻ em là nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Từ khi thành lập đến nay, làng đã đón nhận chăm sóc, điều dưỡng cho hàng nghìn cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong và hàng trăm trẻ em là nạn nhân chất độc da cam/dioxin đến từ các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Tại buổi lễ, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Thượng tướng Bế Xuân Trường trao Huân chương Lao động hạng Nhì tặng Làng Hữu nghị Việt Nam, vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, thay mặt Thường trực Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Thượng tướng Bế Xuân Trường ghi nhận, biểu dương đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên Làng Hữu nghị Việt Nam đã nỗ lực phấn đấu không ngừng, với tấm lòng nhân ái luôn quan tâm, chăm sóc chu đáo cho các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong và những nạn nhân do chiến tranh để lại.
Đồng chí nhấn mạnh, Làng Hữu nghị Việt Nam là biểu tượng đoàn kết quốc tế vì hòa bình, hữu nghị và hợp tác giữa cựu chiến binh Việt Nam với cựu chiến binh và các tổ chức vì hòa bình của một số nước trên thế giới. Từ khi thành lập đến nay, làng đã không ngừng trưởng thành, hoạt động tích cực, đúng hướng và có hiệu quả cao.
Đồng chí yêu cầu, thời gian tới, cán bộ, công chức, viên chức và nhân viên của Làng Hữu nghị Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống, thành tích đã đạt được, chăm sóc, điều dưỡng, nâng cao đời sống cho các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong và các trẻ em là nạn nhân chất độc da cam/dioxin cả về vật chất và tinh thần; tiếp thêm nghị lực vươn lên, góp phần khắc phục hậu quả lâu dài của chiến tranh, xoa dịu nỗi đau bệnh tật, giúp các nạn nhân từng bước hòa nhập với cuộc sống.