Nguyễn Thương sinh trưởng ở phường Cửa Đại, T.P Hội An, tỉnh Quảng Nam. Ông nhập ngũ năm 1978. Trở về với cuộc sống đời thường sau 4 năm tại ngũ, CCB Nguyễn Thương vừa tần tảo mưu sinh, vừa tích cực tham gia công tác Hội CCB. Năm 2015, một cơn tai biến khá nặng cứ tưởng dứt ông ra khỏi công tác Hội; nhưng sau khi điều trị, đi lại được, ông lại dấn thân vào một công việc mà không dễ nhiều người bình thường làm được.
Năm 2017, hưởng ứng cuộc vận động của Hội CCB T.P Hội An với chủ đề “CCB với môi trường xanh - sạch - đẹp”, CCB Nguyễn Thương đã tự nguyện, lặng lẽ đi nhặt rác, dọn vệ sinh đường phố. Ngày ngày, từ 4 giờ đến 7 giờ sáng, với bộ quàn áo bảo hộ bạc màu, trên đầu đội chiếc mũ lưỡi trai, ông quảy hai bao tải đi vào các ngõ phố và dọc bờ biển Cửa Đại, cần mẫn lượm từng mẩu rác. Từ quảy hai bao tải, ông góp tiền mua một chiếc xe cút kít, vừa đỡ phần nặng nhọc, vừa chứa được nhiều rác hơn. Rồi từ một xe, ông nhặt nhạnh từng đồng sắm thêm chiếc xe thứ hai.
Không chỉ nhặt rác dọc đường phố, ông còn giúp nhiều gia đình làm vệ sinh, dọn dẹp rác rưởi tồn đọng… Nhiều người nhã ý giúp ông chút tiền bạc, chính quyền địa phương cũng muốn hỗ trợ chút ít để ông bù vào khoản mua sắm xe chở rác, nhưng ông từ chối. Cũng có người thấy ông ốm đau, có tuổi, không lo an thân, mà còn rỗi việc đi làm những chuyện bao đồng, nên gọi ông là “khùng”, là “giở người. Còn CCB Nguyễn Thương thì bộc bạch rất đơn giản: “Lúc đó, họ nói tôi bị khùng, cứ lang thang lượm rác, vợ con biết ngăn cản không cho tôi đi. Nhưng tôi vẫn quyết tâm đi nhặt rác. Tôi làm vì lương tâm của tôi, vì thành phố của tôi sạch - đẹp, chứ có khùng điên chi đâu…!”.
Quá trình đi nhặt rác, CCB Nguyễn Thương còn là một tuyên truyền viên tích cực. Bên thành hai chiếc xe cút kít của ông có in hai câu khẩu hiệu, nhằm gửi thông điệp để người dân cùng chúng tay bảo vệ môi trường: “Vì con em chúng ta, hãy chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường xanh - sạch - đẹp” và “Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn”.
Chia tay tôi, CCB Nguyễn Thương còn gửi gắm: “Ngày nào còn khỏe là tôi còn đi lượm rác. Chỉ ngày nào trở trời, đau đầu, đi không nổi, tôi mới ở nhà. Một ngày không đi nhặt rác, tôi như thấy thiếu thiếu điều gì…!”.
Duy Nguyễn