Dự cuộc làm việc có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Trưởng ban Công tác đại biểu, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh; Thượng tướng Phạm Hoài Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận Dương Văn An.
Cùng dự có các đồng chí đại diện Thường trực các cơ quan của Quốc hội, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và tỉnh Bình Thuận; các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy Quân chủng Hải quân, Vùng 2 Hải quân…
Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ vui mừng được biết, từ khi thành lập đến nay, Lữ đoàn 681 luôn tổ chức, thực hiện tốt công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, thực hiện các nhiệm vụ mà Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân giao để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Biển đảo nước ta có vị trí rất quan trọng. Vì vậy, nhiệm vụ của Hải quân trước mắt cũng như lâu dài rất nặng nề nhưng rất vẻ vang. Phải biết tìm cách đánh cho phù hợp với điều kiện con người, địa hình bờ biển nước ta và vũ khí trang bị mình có. Hải quân ta phải học tập kinh nghiệm chiến đấu hiện đại nhưng không được quên truyền thống đánh giặc xa xưa của tổ tiên”.
Thực hiện lời dạy của Bác, trong suốt quá trình xây dựng và trưởng thành, Lữ đoàn 681 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong xây dựng cơ sở vật chất, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bảo quản vũ khí khí tài, phối hợp với các đơn vị trên địa bàn làm tốt công tác quân sự, quốc phòng địa phương, góp phần bảo vệ an ninh chính trị. Với những thành tích xuất sắc, Lữ đoàn 681 đã được Đảng, Nhà nước, Quân đội đánh giá rất cao và trao tặng những phần thưởng rất cao quý.
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đoàn công tác, Chủ tịch Quốc hội đặc biệt biểu dương, khen ngợi những thành tích rất quan trọng của cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 681; đồng thời ghi nhận và đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân chủng Hải quân; đánh giá rất cao sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong xây dựng và phát triển của Lữ đoàn.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, chúng ta đang tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI (Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 25-10-2013) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Dự kiến, Trung ương sẽ xem xét đánh giá tổng kết 10 năm thực hiện nghị quyết, bàn những quyết sách mới trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay.
Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, Lữ đoàn 681 tiếp tục nghiên cứu sâu sắc, quán triệt kịp thời, đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo vệ Tổ quốc, chiến lược quân sự quốc phòng, pháp luật về quốc phòng, an ninh. Chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời tham mưu cho cấp trên xây dựng phương án, cách đánh phù hợp, gắn chặt với thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân; thường xuyên huấn luyện, bảo quản, sử dụng tốt vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện có, tiếp tục có nhiều sáng kiến, sáng tạo, sử dụng hiệu quả, phát huy sức mạnh của vũ khí, trang bị hiện đại, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu cao, xử lý thắng lợi các tình huống có thể xảy ra, góp phần cùng các lực lượng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc.
Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục quan tâm để trang bị cho Quân đội theo phương châm một số đơn vị đi thẳng lên hiện đại. “Chúng ta trang bị vũ khí là để phòng thủ và bảo vệ Tổ quốc, đủ sức răn đe, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Trên phương diện luật pháp, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Quốc hội đang tiếp tục hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Năm nay, Quốc hội sẽ xem xét sửa đổi Luật Công an nhân dân, trong đó có sửa đổi về độ tuổi phục vụ của tướng lĩnh, sĩ quan, cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân. Theo kế hoạch, Quốc hội cũng sẽ nghiên cứu sửa đổi Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam để bảo đảm tương thích giữa hai lực lượng, phù hợp với yêu cầu mới của đất nước, phù hợp với Bộ luật Lao động mới.
Tại Kỳ họp thứ năm, Quốc hội dự kiến thông qua Luật Phòng thủ dân sự, trong đó lực lượng vũ trang nói chung và Quân đội nói riêng giữ vai trò nòng cốt; lần đầu tiên cho ý kiến về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Lữ đoàn cần tập trung xây dựng lực lượng, đội ngũ cán bộ chất lượng cao, tổ chức tinh gọn, cơ động nhanh, nền nếp chính quy, kỷ luật chặt chẽ; phát huy tốt vai trò, sức mạnh của các tổ chức Đảng, tổ chức chỉ huy, tổ chức quần chúng; tổ chức thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các lực lượng quân sự, công an, biên phòng và các lực lượng khác của tỉnh Bình Thuận và các địa phương trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng và bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, nhất là trong phối hợp các phương án phòng chống bạo loạn, phòng chống cháy nổ, cứu hộ, cứu nạn, kịp thời góp phần bảo đảm tốt an ninh chính trị trên địa bàn.
“Muốn phát triển kinh tế-xã hội thì phải giữ vững được môi trường hòa bình, ổn định và phải bảo đảm được công tác quân sự- quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn. Phát triển kinh tế-xã hội tốt thì chúng ta sẽ có điều kiện tăng cường tiềm lực cho quân sự- quốc phòng”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Cùng với đó, Lữ đoàn cần tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng để mọi cán bộ, chiến sĩ tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, xứng đáng là đội quân chiến đấu, đội quân công tác; đồng thời tích cực, chủ động, nâng cao hiệu quả công tác dân vận. Đồng thời đẩy mạnh tăng gia sản xuất, chăm lo, cải thiện đời sống cho bộ đội.
* Chiều cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội cùng đoàn công tác tới thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ đang thi công dự án Sân bay Quân sự tại Phan Thiết; thăm, tặng quà cụ Nghiêm Thị Thân (sinh năm 1932, trú tại phường Đức Thắng, thành phố Phan Thiết) là mẹ liệt sĩ.
Chiến Thắng