"Tuổi trẻ của chúng tôi là những năm tháng chiến đấu..."
Năm 1968, ông Mông Quốc Thắng đã tình nguyện lên đường chiến đấu, mang theo trong tim ngọn lửa nhiệt huyết của tuổi trẻ và lòng yêu nước nồng nàn. Gần 10 năm gắn bó với chiến trường miền Đông Nam Bộ, ông đã trải qua những trận đánh rất ác liệt, nhất là hai tháng trời chiến đấu trên đỉnh núi Bà Đen huyền thoại trước khi hành quân tiến vào Sài Gòn.
"Hồi ấy, đánh Mỹ trên đỉnh núi Bà Đen ở chiến trường, cái đói, cái khát luôn thường trực. Có những trận đánh kéo dài hai, ba ngày liền, anh em không có gì để ăn, phải nhai tạm những củ mài, củ sắn rừng”. Nơi ăn, chốn ở toàn là những căn hào ẩm thấp, đầy muỗi mòng và vắt: "Khó khăn thì nhiều, nhưng lúc đó chỉ có một ý nghĩ là phải đánh thắng giặc Mỹ, giải phóng miền Nam", ông Thắng nhớ lại những năm tháng đã qua.
Với CCB Trần Quốc Huy, nhập ngũ năm 1970 khi mới 17 tuổi. Ông đã tham gia chiến trường B và C (Chiến trường miền Nam và Chiến trường Lào). Ông là lính đặc công, một binh chủng đặc biệt với những nhiệm vụ vô cùng khó khăn và nguy hiểm. Ông kể, những bài huấn luyện vô cùng khắc nghiệt, từ leo trèo, đánh trận giả đến bơi lội, vượt sông. "Đặc công là phải tinh nhuệ, phải giỏi mọi thứ", nhưng một khi mang thân xuất trận thì chỉ có một con đường là "Chiến thắng hoặc hy sinh”. Vì nhiệm vụ của đặc công là phải trinh sát, nắm tình hình địch, đột kích vào những căn cứ kiên cố, phá hủy những mục tiêu quan trọng. Một trong những trận đánh ác liệt nhất mà ông từng tham gia là trận đánh ở Cánh đồng Chum. Có lần, đơn vị ông được lệnh đánh vào một căn cứ kiên cố của địch, nơi được mệnh danh là "thành trì trong mây", "Lực lượng địch rất mạnh, có pháo binh, máy bay yểm trợ", trong khi đó, đơn vị đặc công của ông chỉ có vài chục người, trang bị chỉ có súng AK và hỏa lực cá nhân: "Bộ binh không lên giải cứu được nên đơn vị ông hồi ấy đã hy sinh mất 2 phần 3. Đặc công chết là hầu như không lấy được xác, đánh xong thì mình chốt tại đấy, chúng tôi thường xuyên phải đánh vào những nơi hiểm yếu, khi hy sinh thì khó mà đưa được đồng đội về ", họ là những người lính đặc công quả cảm, đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng: "Đến giờ tôi vẫn không quên được những gương mặt ấy", ông Huy xúc động nói.
Trần Quốc Huy trưởng đoàn CCB Yên Bái.
Ước nguyện dưới lá cờ trên nóc Dinh Độc Lập
Ngày 30 tháng 4 năm 1975, tiếng súng vừa dứt, Sài Gòn hoàn toàn giải phóng. Ông Mông Quốc Thắng và ông Trần Quốc Huy, những người lính đã trải qua bao gian khổ, hy sinh, dù mỗi người một nơi nhưng đều mang cảm xúc vỡ òa trong niềm vui chiến thắng "Anh em chúng tôi reo hò, ôm chầm lấy nhau, ai cũng khóc như trẻ con, quần áo, mũ nón có gì là tung lên hết, có cây cầm cây, có cờ cầm cờ,...”. Niềm vui ấy không chỉ là chiến thắng của riêng họ, mà là chiến thắng của cả dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, khoảnh khắc lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, báo hiệu chính quyền Sài Gòn sụp đổ, đã khắc sâu vào tâm trí họ.
Ngay sau giây phút thiêng liêng ấy, trong lòng mỗi người lính lại trào dâng một niềm mong mỏi khôn nguôi là được trở về đoàn tụ với gia đình. Bao năm chinh chiến, họ đã phải gác lại tình riêng, nỗi nhớ nhà da diết. "Tôi chỉ mong được trở về với cha mẹ sau bao ngày xa cách", "Được nhìn thấy những người thân yêu bình an, đó là niềm hạnh phúc lớn lao nhất", các ông tâm sự.
Tuy nhiên, niềm vui ấy vẫn chưa trọn vẹn, bởi các ông đều có chung một ước nguyện cháy bỏng là thống nhất đất nước: "Lúc đó chỉ muốn thấy bản đồ đất nước liền một dải, không còn chia cắt". Ước nguyện đó, đã trở thành hiện thực khi Quốc hội khóa VI quyết định thống nhất đất nước vào ngày 2 tháng 7 năm 1976. Đây là một sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc Việt Nam.
Vết thương chiến tranh âm ỉ
Những năm 1971-1972, bom đạn Mỹ biến nơi ông chiến đấu thành một "chảo lửa", chất độc hóa học rải trắng trời "Dù biết là nước độc, nhưng chúng tôi ở dưới hào vẫn uống và hít thở cái không khí ấy để tồn tại, với một tâm niệm là lấy lại tự do dân tộc", ông Thắng kể lại.
CCB Mông Quốc Thắng (bên trái) chụp ảnh lưu niệm cùng chiến hữu xưa tại Làng Hữu nghị.
Sau những năm tháng "ăn nằm vỏ đạn", ông Mông Quốc Thắng trở về quê hương, mang theo di chứng của chiến tranh hóa học, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân, mà còn di truyền sang thế hệ sau. Cháu ngoại của ông cũng bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Nhưng ông vẫn bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới Đảng và Nhà nước quan tâm, cho các cháu về Làng Hữu nghị để phục hồi sức khỏe, được chăm sóc cháu như con cái trong nhà, ông Thắng chia sẻ trong niềm cảm xúc.
Không may mắn như ông Thắng, ông Huy khi rời quân ngũ năm 1976, người lính năm xưa trở về với cuộc sống đời thường, mang theo những vết thương chiến tranh và nỗi đau mất mát hai người con vì chất độc da cam/dioxin khi hai đứa con đầu mới sinh ra đã không còn, ông nói trong nghẹn ngào.
Làng Hữu Nghị - Nơi xoa dịu những vết thương chiến tranh
Giờ đây, khi tuổi đã xế chiều, thông qua các kỳ nghỉ dưỡng tại Làng Hữu nghị Việt Nam ông Thắng và ông Huy tìm thấy sự bình yên, vui vẻ khi được ở cùng trò chuyện, gặp gỡ lại các chiến sĩ, đồng đội năm xưa. Tại đây, họ được chăm sóc tận tình, chu đáo bởi những "cô Toàn" - người trực tiếp chăm sóc các CCB hàng ngày: "Các bác CCB đến đây đều mang trong mình những vết thương chiến tranh, cả về thể xác lẫn tinh thần. Chúng tôi luôn cố gắng tạo ra một môi trường ấm áp, yêu thương để các bác cảm thấy thoải mái và hạnh phúc."
Tháng 3/2025, Làng Hữu nghị sẽ tiếp tục đón những CCB đến điều dưỡng. Với sự quan tâm, chăm sóc của Làng, những người lính già sẽ có thêm sức khỏe và niềm vui để sống những ngày tháng cuối đời ý nghĩa.
Làng Hữu nghị Việt Nam đã trở thành ngôi nhà thứ hai của nhiều CCB, nơi họ được chăm sóc, điều dưỡng và tìm lại sự bình yên trong tâm hồn. Các ông đều bày tỏ sự cảm kích trước sự quan tâm chu đáo của Làng.
Ông Mông Quốc Thắng bày tỏ: "Ở đây, chúng tôi được chăm sóc sức khỏe rất tốt. Các bác sĩ, y tá luôn tận tình thăm khám, điều trị. Chúng tôi cũng được tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, giúp tinh thần thoải mái hơn", được sống trong môi trường yên tĩnh, giữa một không gian xanh mát, thích hợp cho việc nghỉ ngơi, dưỡng sức.
Những vết thương chiến tranh, cả về thể xác lẫn tinh vẫn luôn đeo bám suốt cuộc đời của các ông, nhưng họ không hề bi quan, mà luôn giữ vững tinh thần lạc quan, yêu đời và tin tưởng vào tương lai tươi sáng của đất nước.
Bài và Ảnh: ĐẶNG THỊ TOÀN
Làng Hữu nghị Việt Nam