Trong những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi tìm gặp Đại tá Phạm Anh Thi Cựu chiến binh thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình tại Làng Hữu Nghị Việt Nam, Vân Canh, Hà Nội. Một Cựu chiến binh đã dành trọn cả thanh xuân cho độc lập dân tộc; vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 3 Huân chương Chiến sĩ Giải phóng; Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Cựu chiến binh Phạm Anh Thi tại Làng Hữu nghị Việt Nam
Những câu chuyện kể của ông không chỉ đưa chúng tôi trở về những năm tháng chiến tranh hào hùng của dân tộc, mà còn cả những trăn trở thời hậu chiến trong suy tư của người Cựu chiến binh ấy.
Kỷ ức về hành trình chiến đấu gian khổ
"Tuổi thanh xuân của tôi rực lửa và cuồng nhiệt như chính những năm tháng kháng chiến ấy" Đại tá Phạm Anh Thi mở đầu câu chuyện, giọng nói trầm ấm nhưng vẫn ánh lên khí thế của người lính trẻ năm xưa. Sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo xã Chính Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, với tên khai sinh là Phạm Văn Thi, nhưng khi bước vào quân ngũ, ông lại chọn cho mình cái tên Phạm Anh Thi, như một cách để khẳng định quyết tâm và chí khí của mình.
"Năm 1965, khi mới 17 tuổi, tôi đã từ chối con đường Thanh niên Xung phong, bởi trong lòng tôi chỉ có một khát khao duy nhất là được trực tiếp cầm súng, được chiến đấu bảo vệ Tổ quốc". Quyết định ấy, ở cái tuổi mà nhiều người còn đang mải mê với những ước mơ bình dị, đã đánh dấu bước ngoặt cuộc đời ông, đưa ông dấn thân vào con đường binh nghiệp gian khổ, nhưng cũng đầy vinh quang.
Sau thời gian huấn luyện (một tháng mười ngày) tại Tiểu đoàn 31, Trung đoàn 32, Chương Mỹ, Hà Tây, tôi nhận lệnh hành quân vào Chiến trường Bắc Tân, Thừa Thiên Huế, thuộc phân khu Bắc của Quân khu Trị Thiên. "Chiến trường miền Nam, nó không hề giống như những gì tôi từng tưởng tượng", nhất là Chiến dịch Mậu Thân 1968 đã khắc sâu vào tâm trí tôi những ký ức không thể nào quên; ông Thi trầm ngâm, giọng nói như đang lạc vào miền ký ức. Với nhiệm vụ thông tin trinh sát, thường xuyên đi cùng cấp trên để trinh sát địa hình và nắm bắt tình hình, tôi luôn phải giữ một cái đầu lạnh và sự tỉnh táo tuyệt đối: "Lãnh đạo thường xuyên quán triệt tôi tuyệt đối không được nổ súng trước, trừ trường hợp giáp lá cà mặt đối mặt mới dùng đến vũ khí". Hơn ai hết, tôi hiểu rằng, một sơ suất nhỏ cũng có thể gây ra hậu quả khôn lường. Trong trường hợp bị quân địch truy sát, việc bảo mật thông tin tuyệt đối là nhiệm vụ sống còn liên quan đến vận mệnh của đất nước: "Nếu không thể thoát được thì có một quả lựu đạn dành cho mình, tuyệt đối không để địch bắt" ông Thi nói, giọng nói trầm xuống. Những lời kể của ông, không chỉ là những dòng hồi ức, mà còn là những thước phim sống động về một thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc, nơi những người lính như ông đã đặt đất nước lên trên cá nhân, đặt tương lai lên trên trách nhiệm.
Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt ấy, ông Thi đã có lần được gặp gỡ Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - một vị tướng tài ba của Quân đội ta: "Tôi nhớ như in đó là vào tháng 6 năm 1967, lúc đó đại tướng vào chiến trường để trực tiếp chỉ đạo, tôi làm trong tổ trinh sát nhưng cương vị chỉ là chiến sĩ thôi, nên thật sự không hề biết đó là Đại tướng. Ông ấy ăn mặc rất giản dị, quần áo bà ba, thấy có đội trinh sát, cán bộ bảo vệ đi theo thì chỉ nghĩ là một lãnh đạo cấp trên nào đó”, mãi đến "Cuối tháng 7 năm 1967, thì nhận được tin Đại tướng qua đời, lúc đó mới biết là thân phận thật sự của lãnh đạo, một điều vô cùng tiếc nuối". Sự ra đi của vị Tướng tài ba ấy đã để lại một khoảng trống lớn trong lòng những người lính, nhưng cũng tiếp thêm sức mạnh cho họ, quyết tâm chiến đấu đến cùng vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
"Người giữ lửa" nơi hậu phương
Năm 1972, Đại tá Phạm Anh Thi được điều động làm Chính trị viên Kho quân khí tại Quân khu Trị Thiên, một đơn vị hậu cần có quy mô tương đương tiểu đoàn. Trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, công việc tiếp nhận và cấp phát vũ khí diễn ra khẩn trương cả ngày và đêm “Mỗi xe không quá 6 người, thời gian giải phóng hàng hóa không quá 5 phút, cấp hàng lên xe thì không quá 7 phút”, với khẩu hiệu "người chờ xe, xe không chờ người" đã trở thành kim chỉ nam hành động. Việc vận chuyển hàng hóa vào chiến trường gặp vô vàn khó khăn: địa hình hiểm trở, thời gian gấp, số lượng hàng hóa khó xác định, thực hiện nhiệm vụ diễn ra dưới làn bom đạn của địch,... Ông Thi nhớ lại, những đêm tối mịt mùng, cả đoàn người cải trang, âm thầm bám sát nhau di chuyển "Không có một tín hiệu nào để nhận biết nhau, làm việc theo đội ngũ, tối thì mịt mờ, cải trang chỉ có người nọ bám sát người kia cứ thế mà đi". Thế nhưng, tinh thần làm việc của những người lính hậu cần vẫn luôn khẩn trương, không một lời than vãn: "Có mấy chục người nhưng chúng tôi một ngày phải vận chuyển 150 xe hàng". Môi trường làm việc khắc nghiệt đòi hỏi sự kiên cường và quyết tâm cao độ, tất cả vì một mục tiêu chung: giải phóng tuyến đường, tiếp sức cho tiền tuyến: “Chúng tôi toàn phải động viên nhau, công việc vất vả nhưng an toàn hơn các anh em bộ binh, mạng sống giữ được hay không chẳng thể lường trước nên phải cố hết sức mà làm”, ông Thi kể, minh chứng cho sự nỗ lực phi thường của họ.
Chứng nhân lịch sử ngày thống nhất
"Điều tiếc nuối lớn nhất trong cuộc đời binh nghiệp của tôi là không thể trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh" Đại tá Phạm Anh Thi tâm sự, giọng nói vẫn còn vương chút ngậm ngùi. " Vì tính chất công việc tại chỗ, lịch trình làm việc tại kho quân khí, với nhiệm vụ tiếp nhận và cấp phát vũ khí nên tôi không thể tận mắt chứng kiến hình ảnh lá cờ nước ta được gương cao trên nóc Dinh Độc Lập khi đó". Dù vậy, nhưng trái tim tôi vẫn sục sôi cùng nhịp đập của chiến trường. "Nhìn đồng đội xông pha nơi trận tuyến, lòng tôi nóng như lửa đốt. Nhưng nhiệm vụ được giao, tôi phải hoàn thành"; ông Thi nói, thể hiện sự hy sinh thầm lặng của những người lính hậu cần.
Dù không trực tiếp cầm súng, ông Thi vẫn dõi theo từng bước tiến của quân ta trên bản đồ, ghi lại từng ngày Giải phóng, từ Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đến Đà Nẵng: "Khi hay tin Quảng Trị được giải phóng, tôi đã vô cùng xúc động. Đó là tỉnh đầu tiên được giải phóng trong Chiến dịch, báo hiệu ngày thống nhất đã đến gần" ông kể bằng giọng nói đầy xúc động. "Chỉ theo dõi qua bản đồ để khoanh và ghi ngày giải phóng từng tỉnh,...Vừa khoanh vừa vui mừng cùng các lực lượng chiến đấu". Những lời kể của ông Thi, không chỉ là những dòng hồi ức, mà còn là minh chứng cho niềm vui sướng vỡ òa của một người lính, khi đất nước được hoàn toàn thống nhất, dù bản thân không trực tiếp góp mặt trong giờ phút lịch sử ấy.
Suy tư về thời hậu chiến
"Đất nước ta đã đạt được những thành tựu phát triển vượt bậc, điều đó không thể phủ nhận. Nhưng trong lòng tôi vẫn còn những trăn trở về những thách thức mà đất nước đang phải đối mặt". Đặc biệt là tình trạng tham nhũng và sự suy thoái về phẩm chất, đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên: "Cùng chung thế hệ những người hy sinh đổ máu, những người cùng chung tư tưởng giác ngộ sớm, lại xuất hiện những cán bộ hư hỏng, trong đó có cả cán bộ cao cấp. Nói thật, đôi khi lòng tin của mình cũng có sự chao đảo” Ông nói với giọng trầm ngâm! Nhưng ông vẫn tin rằng, Đảng và Nhà nước sẽ có những biện pháp quyết liệt hơn nữa để chống lại vấn nạn này, đồng thời lựa chọn những cán bộ có đủ đức - tài để phục vụ nhân dân, nhất là trong giai đoạn chuẩn bị đại hội Đảng các cấp và cuộc cách mạng tinh giản bộ máy nhà nước.
Tuy nhiên, ông Thi vẫn đặt trọn niềm tin vào công cuộc cải cách bộ máy nhà nước dưới thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các cán bộ tiếp nhận chức vụ hiện giờ "Nếu chiến dịch kế hoạch tinh giản bộ máy nhà nước thành công, tôi tin nó là một điều tuyệt vời. Nhưng tôi vẫn băn khoăn liệu có bị rơi vào tình trạng co kéo cục bộ theo địa phương hay không? Đây mới là vấn đề" ông Thi bày tỏ. Theo Ông, công cuộc cải cách này cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương và quyết tâm chính trị cao của Đảng và Nhà nước “Bằng cấp, giấy tờ để giới thiệu thân phận giống như trao cho thì mới biết được", Ông nhấn mạnh sự cần thiết của việc đánh giá năng lực cán bộ một cách toàn diện.
Đôi lời về Làng Hữu Nghị
Làng Hữu Nghị Việt Nam không chỉ là nơi an dưỡng của Đại tá Phạm Anh Thi và những cựu chiến binh tỉnh Hòa Bình, mà còn là biểu tượng của tình người và lòng nhân ái. Đến thăm Làng lần thứ Ba, Đoàn Cựu chiến binh Hòa Bình đã vô cùng xúc động trước sự đón tiếp nồng hậu, chu đáo và tận tình của Ban Giám đốc, cán bộ và nhân viên nơi đây: "Họ không chỉ là những người chăm sóc, mà còn là những người bạn, người thân, luôn quan tâm, chia sẻ và động viên chúng tôi". Đặc biệt, hình ảnh những đứa trẻ bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin được Làng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục đã để lại ấn tượng sâu sắc, "Tôi đặc biệt cảm phục trước tấm lòng nhân ái và sự hy sinh thầm lặng của họ dành cho những đứa trẻ này" Đại tá Phạm Anh Thi nhấn mạnh. Làng Hữu Nghị không chỉ là nơi điều trị mà còn là nơi ươm mầm hy vọng, giúp những mảnh đời bất hạnh hòa nhập với cộng đồng và phát triển toàn diện. Sự quan tâm, chăm sóc và tình yêu thương mà Làng Hữu Nghị dành cho những Cựu chiến binh và những đứa trẻ thiệt thòi đã lan tỏa một thông điệp mạnh mẽ về lòng nhân ái và tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam.
Bài và ảnh: ĐẶNG THỊ TOÀN