Bộ đội nữ Trường Sơn tỉnh Ninh Bình với những hồi ức hào hùng

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng hồi ức về cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí của những Bộ đội nữ Trường Sơn năm xưa. Biết bao người đã ngã xuống để đổi lấy sự bình yên cho dải đất hình chữ S này. Với những người may mắn trở về từ cuộc chiến, cho đến nay vẫn còn khắc họa trong tâm trí những hồi ức buồn, vui không thể nào quên.

Các Cựu Bộ đội nữ Trường Sơn tỉnh Ninh Bình đang điều dưỡng tại Làng Hữu Nghị Việt Nam

Ngày 26/9/2024, Làng Hữu Nghị Việt Nam đã chào đón Đoàn khách đặc biệt - 26 Bộ đội nữ Trường Sơn đến từ mảnh đất Cố đô Hoa Lư thanh bình. Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, những Bộ đội nữ Trường Sơn như những bông hoa thép trên chiến trường, kiên cường, gan dạ. Họ không chỉ là những y tá tận tụy mà còn là những “chiến sĩ đa năng”, đảm nhận mọi nhiệm vụ từ giao liên đến văn hóa, hậu cần, thông tin liên lạc,… và là động lực thúc đẩy tinh thần cho chiến sĩ trên tuyến đường Hồ Chí Minh lịch sử, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Năm 1973, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ Quốc, với khẩu hiệu “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, cô gái trẻ Trần Thị Bình mới 17 đã không ngần ngại viết đơn tình nguyện ra chiến trường. Trước đó, bà đã có 2 người anh hy sinh trên chiến trường và 1 anh vẫn còn trực tiếp làm nhiệm vụ ở biên giới phía Bắc. Bà Bình bồi hồi nhớ lại: “Sau khi nhập ngũ và được bổ sung vào Đoàn 559, tôi được đơn vị cử đi học lớp y tá ở bên nước bạn Lào. Những ngày đầu đặt chân đến đất nước bạn, tôi nhìn thấy người làng ở đây mặc khố, đeo gùi trên vai, cảm thấy hoang mang và sợ. Sau khi tìm hiểu và được biết đồng bào nơi đây rất khổ; tôi cũng như mọi người cảm thấy thương và gần gũi với đồng bào hơn”.

Tiểu đoàn của bà Trần Thị Bình có 4 đại đội và 500 cô gái, tất cả tuổi đời còn rất trẻ. Những ngày tháng sống trong rừng, cuộc sống vô cùng gian khó: “Chiến tranh ác liệt, cái khó khăn nhất đối với chị em phụ nữ ở trên chiến trường trong rừng sâu, núi thẳm là những ngày tháng “đèn đỏ”, nguồn nước, khe suối rất hiếm, vải màn thiếu thốn nên nhiều người bị bệnh. Nhiều lúc phải vạch từng lá rừng để lấy nước rồi pha với dung dịch Clo để khử khuẩn. Bệnh tật đe dọa nhất là sốt rét và muỗi rừng hầu như ai cũng bị” Bà Bình kể.

Bà Phạm Thị Tin, một thành viên của Đoàn chia sẻ:“Về mùa mưa, mưa dầm gió bấc, khi hành quân bộ quần áo ướt sũng, chúng tôi đốt lửa ngay bên đường để hong khô, nhiều khi quá tay bị cháy, không có quần áo để mặc. Lương thực, thực phẩm, cơ sở vật chất thiếu thốn, nhiều khi phải dùng gạo lứt, lá rau rừng, sắn xay để làm thức ăn”. Kết thúc kháng chiến, bà bị sức ép và đã được điều trị tương đối ổn định, nhưng lại phải gánh chịu hậu quả của chất độc da cam/dioxin do Mỹ rải xuống; hai cháu ngoại của bà Tin đều bị ảnh hưởng, một bé bị bệnh đao, 1 bé bị khiếm khuyết chân.

Vinh dự, tự hào là “Bộ đội Cụ Hồ”, bà Nguyễn Thị Xoa cho biết: Bà viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ và được trực tiếp tham gia mở đường Trường Sơn (đường mòn Hồ Chí Minh). Nay đã bước sang tuổi 74, nhưng bà vẫn nhớ như in những lần trực tiếp phá bom nổ chậm:“Chúng tôi chỉ chuyên làm bom mìn, cắt dây những quả bom nổ chậm; khi nổ mìn phá đá phải căn thời gian sao cho từ khi bắt đầu đến khi kết thúc mìn phải nổ đều. Điều đó đòi hỏi việc tìm chỗ trú tránh an toàn cũng rất vất vả. Một ngày, tôi có thể đánh được tới 25 quả bộc phá, nhiều lúc cảm thấy rất sợ, bởi đi làm đường dưới những làn bom đạn Mỹ, nào là bom bi, bom đá, nhiều đồng đội bị thương cụt chân, cụt tay… nhiều lúc cảm thấy thấm thía và thương các bạn”. Công việc rà phá bom mìn đòi hỏi phải có sự dũng cảm, tinh thần thép và kỹ năng thao tác thuần thục. Nhiều lần, bà phải đối mặt với những quả bom hẹn giờ, chỉ một sai sót nhỏ cũng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng. Song, với bản tính nhanh nhẹn, dũng cảm, bà đã vượt lên mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Hiện tại, bà là thương binh, với tỷ lệ thương tật 25%, và bị nhiễm chất độc da cam loại 4; nghỉ hưu rồi nhưng bà vẫn đảm nhiệm làm cán bộ phụ nữ của xã, làm Phó Chủ tịch Hội cựu chiến binh của huyện.

Chiến dịch Hồ Chí Minh mở màn đã để lại trong lòng bà Nguyễn Thị Tơ những nỗi ám ảnh cho đến tận bây giờ:“Chiến tranh ác liệt, bộ đội bị thương nhiều, rất đau đớn, các chú thường bảo với chúng tôi “Chị ơi, đừng về, ở lại với chúng em”. Lúc đó vô cùng khó khăn, thiếu thốn thuốc men, phải tận dụng mọi thứ có sẵn để sơ cứu. Có nhiều đêm chúng tôi thức trắng để chăm sóc cho người bệnh nặng. Có người vết thương bị hoại tử sinh giòi, ruồi nhặng bâu, bông băng không có, thuốc khử trùng hiếm. Nhìn thấy bệnh nhân như vậy, tôi không sợ mà chỉ có tình thương là nhiều, xót xa lắm”.

Cũng như những đồng đội nêu trên, bà Phạm Thị Nhuận từng làm nhiệm vụ mở đường, nhưng khi Chiến dịch Tây Nguyên nổ ra, bà chuyển sang công tác y tế, phục vụ thương binh. Nhớ lại những ngày tháng ấy, bà chia sẻ: “Phục vụ thương binh rất đông, thay băng lần lượt cho các anh, có những anh đau đớn liền gọi “tá ơi”. Từ sáng đến trưa thay xong là đem ra suối ngâm, lấy đá chèn lên; ăn cơm xong lại ra giặt đem về cuộn và hấp khử trùng để hôm sau làm tiếp, bông băng hầu như không đủ”. Niềm vui lớn nhất khi tham gia kháng chiến là các đồng đội đều quý mến nhau, rất đoàn kết, một người ốm thì mọi người đều chăm, tuy vất vả nhưng vui lắm.“Khó khăn, thiếu thốn nhưng mọi người thương nhau lắm, không gì bằng tình đồng đội, quý mến nhau như anh em ruột thịt”, bà xúc động!

Được học tập, công tác với nhau trong cùng một đơn vị, nhất là trải qua những năm tháng chiến tranh ác liệt đã gắn kết họ trở thành những người chị em ruột thịt. Chuyến đi điều dưỡng lần này cũng là dịp để ôn lại những kỷ niệm đẹp về tuổi trẻ, về những năm tháng hào hùng của Cựu Bộ đội nữ Trường Sơn, bằng những tiếng cười nói rộn rã, những câu chuyện đầy xúc động và cả những tình cảm sâu sắc mà họ dành cho nhau.

Đến với Làng Hữu Nghị, các thành viên của Đoàn không giấu được niềm vui khi chia sẻ: "Từ khi Làng Hữu Nghị bắt đầu thành lập rất là khó khăn, từ năm 2006 đến nay, các chị em Trường Sơn đã về đây ba, bốn lần để điều dưỡng. Mỗi lần đều có cảm nhận khác nhau, con người ở đây sống chân tình, cởi mở. Lãnh đạo Ban Giám đốc, các phòng ban đón tiếp chu đáo, quan tâm chúng tôi như người thân trong gia đình, rất ấm lòng và sức khoẻ có phần nào cải thiện rõ rệt; cơ sở vật chất đủ đầy, nhà ở rất khang trang, sạch sẽ. Hơn nữa, chúng tôi còn được thăm khám và điều trị răng miễn phí tại Nha Khoa Phương Nam. Đồng thời, được giao lưu học hỏi, thăm Lăng Bác Hồ,… đây là niềm vinh dự khi chúng tôi đến điều dưỡng vào dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế người cao tuổi 01/10 và là tháng tri ân các chị em phụ nữ. Cảm ơn Đảng, Nhà nước, Làng Hữu Nghị và Nha Khoa Phương Nam đã dành cho chúng tôi những tình cảm thật sự quý báu!".

Sau chiến tranh, chất độc da cam/dioxin đã để lại những di chứng nặng nề cho các thế hệ mai sau. Vượt lên tất cả, tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường của những Bộ đội nữ Trường Sơn vẫn luôn là tấm gương soi sáng cho thế hệ trẻ noi theo. Việc chăm sóc và tri ân Cựu  Bộ đội nữ Trường Sơn không chỉ là nghĩa vụ mà còn là trách nhiệm của mỗi công dân Việt Nam, thể hiện lòng biết ơn đối với những người đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Bài và ảnh: ĐẶNG THỊ TOÀN – Làng Hữu nghị Việt Nam

Bạn đang đọc bài viết Bộ đội nữ Trường Sơn tỉnh Ninh Bình với những hồi ức hào hùng tại chuyên mục Cơ quan Trung ương (487) của Trung ương hội Cựu chiến binh Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: 024 - 32444645 hoặc gửi về hòm thư btgccb@gmail.com