Tấm gương điển hình trong lao động sản xuất của hội viên CCB người đồng bào dân tộc thiểu

Tấm gương điển hình trong lao động sản xuất của hội viên CCB người đồng bào dân tộc thiểu số

Từ nghèo khó vươn lên trở thành hộ gia đình khá giả, đồng chí Y Chương Buôn Krông, hội viên chi hội CCB buôn K Pung, xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk là một trong những tấm gương tiêu biểu về sản xuất giỏi được vinh dự báo cáo điển hình tại Đại hội thi đua yêu nước “Cựu chiến binh gương mẫu”, giai đoạn 2019-2024 của Hội CCB Tỉnh.

 

Đồng chí Y Chương Buôn Krông báo cáo điển hình tại Đại hội thi đua Cựu chiến gương mẫu giai đoạn 2019-2024, Hội CCB tỉnh Đắk Lắk.

Năm 2005, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự Y Chương trở về địa phương cưới vợ. Những năm đầu, hai vợ chồng được bố mẹ vợ cho 4 sào cà phê, 2 sào ruộng nước. Tranh thủ khi chưa có con, hai vợ chồng tích cực làm cà phê, làm ruộng và làm thuê cho người dân trong vùng. Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện (2 lần, 80 triệu đồng) và quỹ Hội 25 triệu đồng để đầu tư mua cây, con giống, phân bón; đồng thời tiết kiệm chi tiêu, nghe tin ai bán ruộng, bán rẫy trong vùng vợ, chồng liên hệ mua thêm. Hiện nay, gia đình có 2,7 ha rẫy đang trồng cà phê, điều, bạch đàn và cây gỗ tếch, 1,7 ha ruộng lúa nước. Với phẩm chất, tác phong đã được rèn luyện trong môi trường Quân đội, đồng chí luôn thực hiện công việc đúng giờ. Thức dậy lúc 5 giờ sáng, lúc trời mát thì làm lúa, trời nắng thì làm nương rẫy. Năm 2023, thu 5 tấn cà phê nhân, 10 tấn lúa, 30 triệu đồng từ hạt điều, tổng doanh thu gần 600 triệu đồng. Từ thành quả lao động, gia đình đã đầu tư làm nhà, mua máy nông nghiệp, xe hơi và có cuộc sống no, đủ.

Đồng chí Y Chương Buôn Krông chăm sóc vườn cà phê của gia đình.

Riêng 300 cây bạch đàn sau 10 năm đã cho đường kính gốc 0,5 m, trị giá mỗi cây 5 triệu đồng, 150 cây gỗ tếch có đường kính gốc 0,5 m, trị giá mỗi cây trên 10 triệu đồng. Nếu thu hoạch bạch đàn và tếch thời điểm hiện tại thì vợ chồng đã có doanh thu 3 tỷ đồng. Ngoài ra, với 8 con bò sinh sản, vợ chồng đồng chí đã cho hội viên CCB trong buôn, xã nuôi theo hình thức bò đẻ hai con thì người nuôi một con, người có bò mẹ một con.       

Đối với công tác Hội, trong hơn 10 năm giữ cương vị Chi hội trưởng (từ năm 2009 đến năm 2020), đồng chí luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, quan tâm chăm lo đời sống, tạo điều kiện giúp đỡ hội viên có hoàn cảnh khó khăn, điển hình là gia đình hội viên Y Tem Buôn Dăp, từ hộ nghèo, sau khi được giúp đỡ bằng hình thức nuôi bò sinh sản của chính gia đình đồng chí Y Chương và cho vay không tính lãi, sau 5 năm đã xây được nhà và vươn lên thoát nghèo.

Báo cáo điển hình tại Đại hội, đồng chí chia sẻ: “Thời gian công tác trong Quân đội, được học tập, rèn luyện trở thành người có bản lĩnh có kiến thức, khi về đời thường, gặp khó khăn, mình không nản chí mà luôn có quyết tâm vươn lên trong cuộc sống. Mình cảm ơn Đảng, Quân đội, các cấp Hội đã rèn luyện mình trưởng thành như ngày hôm nay. Bản thân phải cố gắng hơn nữa để không phụ lòng tin của Hội CCB các cấp”.

HOÀNG VĂN HUẤN, Phó ban Tuyên giáo, Phong trào

 

Bạn đang đọc bài viết Tấm gương điển hình trong lao động sản xuất của hội viên CCB người đồng bào dân tộc thiểu số tại chuyên mục Mô hình - Điển hình của Trung ương hội Cựu chiến binh Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: 024 - 32444645 hoặc gửi về hòm thư btgccb@gmail.com