Tại Hội nghị, các đại biểu đều cho rằng, việc xây dựng và ban hành Luật Phòng thủ dân sự là cần thiết để chủ động phòng, chống, ứng phó có hiệu quả các sự cố, thảm họa thiên tai, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn đất nước.
Các đại biểu tập trung đóng góp ý kiến phạm vi, đối tượng điều chỉnh; nội hàm khái niệm “phòng thủ dân sự”, “thảm họa”, “sự cố”; hệ thống công trình phòng thủ dân sự, các quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn công trình xây dựng đáp ứng yêu cầu phòng thủ dân sự; làm rõ quy định về cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự, cơ chế huy động, phối hợp trong phòng thủ dân sự và về tổ chức lực lượng phòng thủ dân sự; nguồn lực, chế độ, chính sách đối với phòng thủ dân sự…
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Phó chủ tịch Khuất Việt Dũng đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các đại biểu trong tham gia góp ý xây dựng Dự án Luật Phòng thủ dân sự. Các ý kiến tham luận đã tập trung nêu những quan điểm, lập luận khoa học, cụ thể về khái niệm phòng thủ dân sự, xác định phạm vi điều chỉnh của dự án luật; khái niệm thảm họa, sự cố; phân tích, làm rõ hơn về sự cần thiết ban hành luật, đề xuất hoàn thiện quy định về cấp độ, mức độ phòng thủ dân sự, hoạt động phòng thủ dân sự trong tình trạng khẩn cấp...
Hồng Lam