Gia Lai

Hiệu quả từ mô hình trồng nấm linh chi đỏ

Đồng chí Huỳnh Phương Bình, Chi hội CCB thôn 6, xã Cư Kty, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk là một trong những hội viên tiêu biểu trong việc thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU của Huyện ủy về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, bước đầu đã thu được những kết quả khá tích cực.

Với bản chất siêng năng và chịu khó tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm làm kinh tế, đầu năm 2022, đồng chí đã đi học trồng nấm linh chi đỏ tại tỉnh Gia Lai, khi về mua 3.000 phôi giống để trồng thử nghiệm. Sau ba tháng trồng, kết quả thu hoạch cho năng suất không cao, chất lượng không đạt tiêu chuẩn do chưa làm chủ kỹ thuật và chưa có kinh nghiệm trồng, chăm sóc.

Đồng chí Huỳnh Phương ình, Chủ nhiệm Hợp tác xã giới thiệu về quy trình sản xuất phôi giông linh chi đỏ.
Đồng chí Huỳnh Phương ình, Chủ nhiệm Hợp tác xã giới thiệu về quy trình sản xuất phôi giông linh chi đỏ. (Ảnh: Hoàng Văn Huấn)

Cuối năm 2022, qua tìm tòi học hỏi và tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật làm phôi nấm từ Viện Công nghệ sinh học và môi trường (Trường Đại học Tây Nguyên) từ đó, đồng chí bắt đầu hình thành xây dựng Hợp tác xã sản xuất phôi nấm và mở rộng diện tích trồng. Tháng 4/2023, Hợp tác xã nấm dược liệu Chư Yang Sin chính thức ra mắt và đi vào hoạt động, sản xuất ra phôi nấm đầu tiên. Sau đó đã tiến hành trồng 35.000 phôi nấm dưới 0,5 ha rừng keo lai 3 năm tuổi. Sau 3 tháng trồng và chăm sóc, vườn nấm phát triển tốt cho thu hoạch 850kg nấm tươi tương đương với 400kg nấm khô, giá nấm khô dao động từ 800.000 - 1triệu đồng/1kg, thu lãi từ 350.000  đến 500.000 đồng/1kg. Hợp tác xã đi vào hoạt động ổn định đã tạo việc làm thường xuyên cho 8 đến 10 lao động với mức lương từ 6-7,5 triệu/người/tháng. Bên cạnh đó, còn giải quyết được nguồn gỗ keo mà người dân địa phương trồng, giá mua cao hơn so với thị trường từ 30 đến 50%.

Người lao động đang làm việc tại Phòng Cấy mô của Hợp tác xã.
Người lao động đang làm việc tại Phòng Cấy mô của Hợp tác xã. (Ảnh: Hoàng Văn Huấn)

Vừa trồng, hợp tác xã vừa sản xuất và bán phôi giống cho các hộ dân trên địa bàn trong và ngoài tỉnh hơn 50.000 phôi giống. Hiện nay, Hợp tác xã đã và đang xúc tiến kết nối với các đại lý, doanh nghiệp trong và ngoài nước để tìm đầu ra cho sản phẩm ổn định và bền vững.

Lãnh đạo Tỉnh hội và Hội CCB các đơn vị thăm quan khu vực trồng nấm của Hợp tác xã.
Lãnh đạo Tỉnh hội và Hội CCB các đơn vị thăm quan khu vực trồng nấm của Hợp tác xã. (Ảnh: Hoàng Văn Huấn)

Đây là hướng đi mới, đầu tiên trên địa bàn xã, kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế. Việc trồng nấm ở dưới tán rừng, không chiếm nhiều diện tích đất lại có lợi nhuận kép vừa tạo môi trường trong sạch bảo đảm sức khoẻ cho cộng đồng và nguồn thu nhập cao.

Nguyễn Ngọc Minh - Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Krông Bông

Bạn đang đọc bài viết Hiệu quả từ mô hình trồng nấm linh chi đỏ tại chuyên mục Mô hình - Điển hình của Trung ương hội Cựu chiến binh Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: 024 - 32444645 hoặc gửi về hòm thư btgccb@gmail.com