Theo đó, Những kết quả đạt được giai đoạn 2018-2023, cũng như 8 nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2023-2028 vừa được ký kết, đều có ý nghĩa xuyên suốt là trao truyền ý chí, tinh thần cách mạng của thế hệ đi trước cho thế hệ trẻ hôm nay.
Trao truyền giữa hai thế hệ như thế nào để mang lại hiệu quả? Câu hỏi - đồng thời cũng là phương pháp - cách làm được Thượng tướng Bế Xuân Trường, Chủ tịch Hội CCB Việt Nam chắt lại, khái quát một cách hình ảnh, có ý nghĩa gợi mở tại Hội nghị. Đồng chí nói: “Nghệ thuật của giáo dục lịch sử không phải là dựng người xưa đứng dậy cầm giáo mác, mà là thức tỉnh thế hệ hôm nay sống xứng đáng với người xưa”.
Cách làm mang tính triết lý trên, đã được chứng minh rất sinh động bằng những việc làm cụ thể ở cơ sở như các tỉnh Phú Thọ, Nghệ An, Lâm Đồng, T.P Đà Nẵng... được báo cáo tại Hội nghị.
Điển hình như kinh nghiệm về cuộc thi “Ông kể cháu nghe” của huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ. Từ cầu truyền hình trực tiếp, Đại tá Phạm Quang Đoát - Chủ tịch Hội CCB huyện Đoan Hùng, cho biết: Năm 2018, hướng tới kỷ niệm 30 năm Ngày truyền thống Hội CCB Viêt Nam, Huyện ủy Đoan Hùng chỉ đạo, chọn hình thức sân khấu hóa với chủ đề “Ông kể cháu nghe” để tuyên truyền, giới thiệu những bậc tiền bối cách mạng và những tập thể, cá nhân CCB của chính quê hương: “Xưa thắng giặc ngoại xâm, nay thắng lạc hậu, đói nghèo, làm giàu chính đáng”.
Cuộc thi đã thu hút đông đảo cán bộ, đoàn viên, thanh niên, thiếu niên, hội viên phụ nữ, người cao tuổi, doanh nghiệp, kể cả những người con quê hương công tác ở xa cũng gửi bài, viết kịch bản, xin về tham gia dự thi... Qua 2 vòng luyện tập tại cơ sở và liên hoan theo 4 cụm xã, thị trấn kéo dài gần 1 năm, đã có hơn 420 người lên sân khấu biểu diễn, người cao tuổi nhất là 83 tuổi; 7 tuổi là thấp nhất, kể chuyện cho hơn 27.000 lượt người dự Liên hoan “Ông kể cháu nghe”, góp phần tuyên truyền, bồi dưỡng lòng yêu nước, khát vọng lập thân, khởi nghiệp cho thế hệ trẻ. Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Nguyễn Văn Vấn cho rằng: Thành công nhất của “Ông kể cháu nghe” là lôi cuốn được tất cả các tầng lớp nhân dân không chỉ nghe, xem, mà nhiều người còn trực tiếp lên sân khấu kể chuyện, biểu diễn… về một người thật, một việc thật của lịch sử, nên sinh động, hấp dẫn, có ý nghĩa tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục cao.
Còn Tỉnh ủy Nghệ An, lại có hình thức phối hợp cũng rất mới và khá độc đào, được khởi nguồn từ năm 2019 với mô hình “Bí thư Đoàn danh dự”, chủ yếu ở cấp chi đoàn địa phương. “Bí thư đoàn danh dự” là những CCB tiêu biểu, có kinh nghiêm về công tác Đoàn, do cấp ủy Đảng và Hội CCB chọn, cử cùng tham gia sinh hoạt với chi đoàn, nhằm trao đổi kinh nghiệm trong công tác tổ chức; giáo dục truyền thống; bồi dưỡng mục tiêu, lý tưởng cho thế hệ trẻ, tạo bước đột phá đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng hoạt động Đoàn Thanh niên, nhất là thanh niên nông thôn trong tình hình mới... Bí thư Tỉnh đoàn Nghệ An cho chúng tôi biết: Toàn tỉnh hiện có hơn 300 “Bí thư đoàn danh dự”, hoạt động rất hiệu quả. Mô hình cũng đang được nhân rộng ra nhiều tỉnh, thành khác, như Tuyên Quang, Thái Nguyên, Cà Mau, Bến Tre, Sóc Trăng, Đắk Lắk...
Hiệu quả trong phối hợp hoạt động giữa Đoàn Thanh niên và Hội CCB ở Lâm Đồng và T.P Đà Nẵng, đều nêu bật kinh nghiệm, là trên hết và trước hết CCB phải thực sự là những người gương mẫu, lấy chính mình làm tấm gương cho tuổi trẻ noi theo. Đại tá Dương Công Hiệp - Phó chủ tịch Hội CCB tỉnh Lâm Đồng nói: “Hơn 10 năm nay, Hội CCB tỉnh kiên trì phát động phong trào “Xây dựng văn hóa CCB Lâm Đồng” với những nội dung thiết thực, như nói đi đôi với làm; sống nhân ái, nghĩa tình, vì mình, vì người... Thông qua Phong trào, Hội chọn ra những tấm gương CCB tiêu biểu nhất làm nòng cốt phối hợp các hoạt động của tuổi trẻ, như giáo dục lý tưởng cách mạng, kể chuyện truyền thống, bồi dưỡng đoàn viên ưu tú vào Đảng... Năm 2020, Hội CCB tỉnh phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức thành công “Liên hoan nhóm tuyên truyền ca khúc cách mạng” và phát hiện bồi dưỡng 70 thanh niên ưu tú vào Đảng; tham gia xây dựng, củng cố 98 chi đoàn cơ sở...
Đại tá Dương Công Hiệp khẳng định: “CCB gương mẫu tỷ lệ thuận với kết quả trong tuyên truyền, truyền thụ lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ”.
Còn chị Nguyễn Thị Anh Thảo - Ủy viên BCH T.Ư Đoàn - Phó bí thư Thành đoàn Đà Nẵng, thì xúc động nói: “Những năm qua Thành đoàn Đà Nẵng đã phối hợp với Hội CCB thành phố tổ chức được 305 cuộc “Hành quân về nguồn” và tổ chức diễn đàn về “Lý tưởng cách mạng”. Đây là một trong những hoạt động nổi bật mang lại hiệu quả thiết thực nhất trong giáo dục truyền thống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ của Thành đoàn, phối hợp với Hội CCB thành phố. Hiệu quả mang lại không chỉ từ những tấm gương của các bậc tiền bối mà ở chính phẩm chất trong sáng của các bác, các chú, các cô CCB hôm nay...”.
Rất nhiều kinh nghiệm quý rút ra tại Hội nghị. Nhưng kinh nghiệm sâu sắc nhất là “trao truyền lý tưởng cách mạng” cho tuổi trẻ vừa là nhiệm vụ vẻ vang, vừa là niềm vinh dự tự hào của Hội CCB Việt Nam - bí quyết “trao truyền” thành công chính là “phẩm chất gương mẫu” của người CCB hôm nay.
Huy Thiêm