Sau 6 năm phục vụ trong quân đội, ông trở về tham gia công tác tại địa phương, đến năm 1987 đi kinh tế mới và tham gia công tác tại UBND xã Phú Lộc, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2018 thì nghỉ hưu.
19 năm về trước, được một Người bạn giới thiệu, ông đã liên hệ với Trung tâm nghiên cứu giống cây rừng (Viện Khoa học Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên) trồng thử nghiệm cây Mắc ca tại vườn. Với thỏa thuận, gia đình có đất, còn cây giống và kỹ thuật trồng, chăm sóc do cán bộ Trung tâm nghiên cứu giống cây rừng đảm nhiệm. Trên diện tích 1 ha trồng cà phê hiện có, ông đã trồng xen 170 cây Mắc ca với nhiều loại giống khác nhau. Tiếp đến, năm 2006, trồng thêm 100 cây. Sau 3 năm cây cho quả, sản lượng khoảng 7 đến 8 tạ, tất cả ông đều để lại làm giống, các năm tiếp theo sản lượng tăng dần lên cho đến năm thứ 8, với 270 cây thu được hơn 4 tấn quả, số quả này gia đình không bán mà dùng để nhân giống theo đơn đặt hàng của Trung tâm nghiên cứu giống cây rừng.
Ông cho biết, từ hơn 30 loại giống các loại, qua quá trình trồng, chăm sóc, sàng lọc, ông đã chọn ra 5 đến 6 loại giống sinh trưởng tốt, cho năng suất và chất lượng cao để nhân giống. Từ 1 ha trồng cây Mắc ca ban đầu, đến nay gia đình ông đã mở rộng trồng 10 ha, ngoài việc trồng xen hồ tiêu và cây sầu riêng để đảm bảo thu nhập cho gia đình, ông luôn xác định Mắc ca là cây trồng chủ lực. Năm 2022, gia đình thu 22 tấn quả, trị giá hơn 2,2 tỷ đồng. Với vườn ươm cây giống đạt chuẩn, hằng năm sản xuất từ 2 đến 3 vạn cây giống cung cấp cho Nhân dân trong và ngoài tỉnh cho thu nhập gần 200 triệu đồng.
Ngoài việc trồng và ươm cây giống, gia đình đầu tư thành lập Công ty chuyên chế biến sản phẩm từ cây Mắc ca tại nhà, tạo công ăn việc làm 40 lao động thường xuyên với mức lương từ 5 đến 6 triệu đồng/ tháng. Hiện nay, sản phẩm Mắc ca của gia đình được phân phối hầu hết ở tất cả các tỉnh, thành trong cả nước và có mặt trên một số thị trường khó tính trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Canada. Nhất là thị trường Nhật Bản, trải qua gần 7 năm thực hiện quy trình nghiêm ngặt từ chọn giống, trồng, chăm sóc đến chế biến, bảo quản sản phẩm mới được chấp nhận. Năm 2022 sau khi xuất được lô hàng đầu tiên với số lượng 01 container, đến năm 2023 công ty đã ký hợp đồng xuất khẩu 10 container.
Với kinh nghiệm tích lũy được từ thực tế, đồng chí đã nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây Mắc ca cho hội viên CCB và Nhân dân trên địa bàn; đồng thời thu mua toàn bộ sản phẩm theo giá thị trường. Đối với cán bộ, hội viên CCB ông luôn hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn từng bước vươn lên trong cuộc sống như: tặng cây giống, bán giá ưu đãi hoặc trả chậm, đầu tư phân bón, hướng dẫn kỹ thuật…Khi trao đổi về phong trào CCB giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, ông đề nghị Hội CCB xã giới thiệu và sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ từ 1 đến 2 hộ CCB thoát nghèo.
Lợi nhuận thu được từ sản xuất, kinh doanh gia đình ông đã trích ra hàng trăm triệu đồng mỗi năm để tổ chức các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao ở địa phương, tặng quà cho học sinh nghèo vươn lên trong học tập. Với những gì đã làm được, nhiều năm liền, hội viên Nguyễn Văn Cúc đạt danh hiệu CCB sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện, tỉnh và hiện nay đủ tiêu chuẩn đề nghị Trung ương Hội CCB Việt Nam tặng danh hiệu hội viên CCB sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương./.
Lê Đình Tấn - Chủ tịch Hội CCB xã Phú Lộc