Nụ cười chiến thắng trên Thành cổ Quảng Trị

Thành cổ Quảng Trị, chứng tích của 81 ngày đêm "Mùa Hè đỏ lửa", không chỉ là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, mà còn là nơi lưu giữ những câu chuyện về ý chí kiên cường. Trong đó, "Nụ cười chiến thắng" của Cựu chiến binh (CCB) Lê Xuân Chinh là một minh chứng sống động, vang vọng đến tận hôm nay.

 Lời Thề trước lúc lên đường

Lê Xuân Chinh sinh ra và lớn lên tại một miền quê nghèo khó (Làng Phương La, Thái Bình), thiếu vắng bóng cha khi còn nhỏ, chỉ còn người mẹ già - điểm tựa vững chắc cho ông trong những ngày tháng gian khó của thời chiến tranh loạn lạc, từng khoảnh khắc lịch sử hằn sâu trong tâm khảm, hun đúc nên lòng yêu nước sâu sắc trong chàng trai quê lụa. Bởi vậy, năm 1971, khi Tổ quốc vang lên tiếng gọi khắp non sông, ông đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ (ông là con độc nhất, thuộc diện ưu tiên không phải nhập ngũ lúc bấy giờ) với Lời thề: "Con đi chết xanh cỏ, sống đỏ ngực, con hứa sẽ không bao giờ đào ngũ làm ô danh mẹ và gia đình". Lời thề ấy không chỉ thể hiện quyết tâm sắt đá mà còn là lời hứa danh dự với người mẹ kính yêu. Dẫu biết rằng, quyết định này sẽ gieo vào lòng mẹ nỗi đau khôn nguôi, nhưng ông vẫn kiên định, bởi Tổ quốc đang cần những người con ưu tú nhất, sẵn sàng xả thân vì độc lập, tự do. "Mẹ ủng hộ con, nhưng lòng mẹ lúc nào cũng như lửa đốt", ông Chinh nhớ lại lời mẹ.

Tháng 6/1972, CCB Lê Xuân Chinh được biên chế vào Đại đội 18 Thông tin liên lạc, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320B, chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị - "Chảo lửa" của chiến tranh. Nhiệm vụ chính của ông là dẫn đường, truyền mệnh lệnh tin mật giữa làn bom đạn. Vì thế, "Mỗi chuyến đi làm nhiệm vụ là một lần đối mặt với tử thần", "Tôi không biết mình sẽ sống hay chết trong những giây phút tiếp theo. 24/24 giờ lúc nào cũng phải sẵn sàng nhận lệnh bất kể sáng tối, nắng mưa. Cứ có là đi". Công việc đòi hỏi sự bảo mật tối đa, nên ông thường phải đi một mình, hoặc cùng lắm là thêm một đồng đội. Thông tin mật được niêm phong trong các tập giấy cẩn thận, chuyển đến các căn cứ cố định, trao tận tay chỉ huy. "Có những đêm mưa tầm tã, đường trơn như đổ mỡ, tôi vấp ngã liên tục, chân tay bầm dập. Chỉ chậm một phút thôi, là có thể ảnh hưởng đến tính mạng đồng đội", ông kể, ánh mắt rực lửa.

Những ngày tháng chiến đấu gian khổ, CCB Lê Xuân Chinh đã chứng kiến bao mất mát, hy sinh. Từng tấc đất Thành cổ thấm đẫm máu xương đồng đội, nỗi đau ấy không khiến ông gục ngã; trái lại, càng thôi thúc ông chiến đấu kiên cường hơn. "Chúng tôi sống và chiến đấu vì một niềm tin đất nước sẽ thống nhất, hòa bình sẽ trở lại. Và chúng tôi tin rằng, những hy sinh của mình sẽ không vô ích". Lời nói ấy, không chỉ là niềm tin của riêng ông, mà còn là niềm tin của hàng triệu người con đất Việt, đang ngày đêm chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

"Nụ Cười Chiến Thắng" giữa Lằn Ranh sinh t

Ánh mắt đăm chiêu hồi tưởng lại kí ức, trận chiến Thành cổ, kéo dài từ ngày 28 tháng 6 đến ngày 16 tháng 9 năm 1972, một trong những trận đánh ác liệt nhất lịch sử. “Tôi vẫn nhớ như in, đó là chiều ngày 05 tháng 9 năm 1972, những vệt nắng cuối ngày nhuốm đỏ cuối chân tòa Thành cổ”. Trên đường mang công văn mật từ Ban Chỉ huy trung đoàn xuống Ái Tử, mảnh pháo oan nghiệt bất ngờ găm sâu vào sườn trái. Cơn đau thấu xương ập đến, máu tuôn xối xả, nhuộm đỏ cả vạt áo, tôi chìm vào hôn mê, giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết. Khi tỉnh dậy, mới biết mình đã được đồng đội chuyển ra Bệnh viện Dã chiến 112, thuộc xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình). Xung quanh là tiếng rên rỉ của đồng đội, là mùi thuốc sát trùng nồng nặc. Tôi biết, mình đã may mắn sống sót, nhưng đó không phải là lần duy nhất đối mặt với tử thần "Mọi thứ xung quanh bị san phẳng, rung chuyển dữ dội. Nhiều ngày sau, tai tôi vẫn ù đặc, như thể tiếng bom vẫn còn vang vọng", ông Chinh kể lại.

Bức ảnh “Nụ cười chiến thắng bên Thành cổ Quảng Trị” của phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính (Ảnh tư liệu)

Kể về bức ảnh "Nụ cười chiến thắng bên Thành cổ Quảng Trị". Giữa chiến trường khốc liệt, khi sự sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc, một khoảnh khắc lạc quan hiếm hoi của những người lính trẻ đã được ghi thành lịch sử. Hôm đó, ông nhận lệnh của Ban Chỉ huy Trung đoàn dẫn nhà báo Đoàn Công Tính - phóng viên Báo Quân đội nhân dân vào Thành cổ. Khi đến một chốt của quân ta ở phía đông, gần giáp bờ sông Thạch Hãn, thấy một nhóm chiến sĩ đang nhô đầu ra khỏi chiến hào giữa lúc pháo địch chuyển làn; lúc đó, phóng viên bảo tôi là anh vào đây ngồi xuống cùng anh em, tôi chụp bức ảnh kỉ niệm. Bức ảnh ra đời mang theo nụ cười giữa khói lửa chiến tranh, nụ cười ấy không phải là sự vô tư, mà là bản lĩnh của người lính, là niềm tin vào chiến thắng: “Lúc đó, chẳng mong cầu được nổi tiếng hay gì. Chỉ nghĩ đơn giản là biết đâu sẽ được đăng báo, mẹ ở quê nhà vẫn biết là con còn ổn; sống chết có số cả, cứ cười một tí cho khí thế, có khi chụp xong lát nữa hy sinh hết nên phải trân trọng mỗi phút mình còn hơi thở”, giọng nói vang lên cùng tiếng cười nhẹ nhưng vẫn xen lẫn thoảng qua sự chua xót trong ánh mắt người CCB.

Vết thương sau nụ cười

Năm 1974, khi những vết thương chiến tranh vẫn âm ỉ trong cơ thể, Lê Xuân Chinh rời quân ngũ, trở về với đời thường. Qua mối duyên do người cô ruột se kết, ông nên duyên cùng vợ. Hạnh phúc giản dị của đôi vợ chồng trẻ được đong đầy bằng tiếng khóc chào đời của cô con gái đầu lòng. Nhưng niềm vui chẳng tày gang, vết thương cũ tái phát, những trận bom B52 và pháo hạm năm xưa để lại di chứng nặng nề, khiến ông mắc bệnh phổi, thường xuyên khó thở.

Năm 1980, ông quyết định chuyển về Điện Biên sinh sống, giấy tờ chứng nhận thương tật thất lạc, gia đình CCB Lê Xuân Chinh sống trong căn nhà gỗ xập xệ suốt nhiều năm, cho đến tận năm 2002, khi người ta bất ngờ phát hiện nhân vật trong bức ảnh "Nụ cười chiến thắng" treo trang trọng tại Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị vẫn còn sống. Lúc đó, nhà báo Đoàn Công Tính, đạo diễn Trần Minh Đại, rồi Đài Truyền hình Việt Nam tìm đến ông. Câu chuyện xúc động của ông được kể lại trên sóng truyền hình đã lấy đi nước mắt của bao người xem. Chia sẻ lại cảm nhận thì ông cho hay: “Được lên đó nói vì may mắn là người sống sót so với anh em nằm lại trên chiến trường, chứ thật ra tôi cũng chỉ như bao người bình thường khác. Dù bị thương mấy chục năm không có chế độ, tôi cũng không đòi hỏi gì cho mình", ông nói.

Con trai út của ông bị nhiễm chất độc da cam/dioxin từ bố, sức khỏe yếu, không làm được việc nặng. Đứa cháu ngoại của ông sinh ra bị bại não, nằm một chỗ, không nói không cười, rồi ra đi ở tuổi 13. Vợ chồng con út không dám sinh thêm con, sợ con sinh ra lại chịu nỗi đau quái ác. Cách đây gần 2 về trước, vợ chồng ông nhận nuôi một bé gái bị bỏ rơi và đặt tên cháu là Lê Thanh Tâm, với mong ước cháu có một cuộc đời thanh cao, bình an: "Cháu đã thiệt thòi khi bị cha mẹ bỏ rơi, nhưng tôi nghĩ đó cũng là cái phúc của gia đình mình", ông chia sẻ.

CCB Lê Xuân Chinh tại Làng Hữu nghị Việt Nam (Ảnh Đặng Thị Toàn).

Sau khi được cấp giấy chứng nhận thương binh 4/4 và nhận được sự quan tâm từ Đảng, Nhà nước, CCB Lê Xuân Chinh đã có cơ hội tham gia các chuyến thăm và nghỉ dưỡng tại Làng Hữu nghị Việt Nam. Tại đây, ông đã được trải nghiệm và cảm nhận sâu sắc về một không gian đặc biệt, không chỉ đơn thuần là nơi an dưỡng mà còn là biểu tượng của tình đoàn kết và sự hàn gắn vết thương chiến tranh.

Ông bày tỏ sự ấm lòng trước sự quan tâm, chăm sóc chu đáo của Ban Giám đốc và toàn thể nhân viên Làng Hữu nghị: "Đây là một nơi đặc biệt, nơi những người từng trải qua chiến tranh có thể tìm thấy sự bình yên và hàn gắn vết thương lòng", ông rất xúc động khi được gặp gỡ và trò chuyện với những nạn nhân chất độc da cam/dioxin đang được chăm sóc tại đây. Nỗi đau mà họ phải gánh chịu khiến ông xót xa, nhưng nghị lực sống phi thường của họ lại khiến ông khâm phục. Ông tin rằng, Làng Hữu nghị Việt Nam đang thực hiện một sứ mệnh cao cả, góp phần xoa dịu những mất mát của chiến tranh và thắp lên hy vọng cho những phận đời kém may mắn.

ĐẶNG THỊ TOÀN

Làng Hữu nghị Việt Nam

Bạn đang đọc bài viết Nụ cười chiến thắng trên Thành cổ Quảng Trị tại chuyên mục Cơ quan Trung ương (487) của Trung ương hội Cựu chiến binh Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: 024 - 32444645 hoặc gửi về hòm thư btgccb@gmail.com