Ông là Bác sỹ Lê Hồng Quân, cán bộ nghỉ hưu, Chi hội trưởng Chi hội cựu chiến binh 12 Phùng Khoang, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Sinh năm 1948, ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, đáng ra có thể nghỉ ngơi sum vầy bên con cháu nhưng với phẩm chất của người lính cụ Hồ, ông vẫn đau đáu và trăn trở với đời, với nhân sinh và cộng đồng xung quanh. “Mình còn sức khỏe, có thời gian, còn giúp được nhiều người thì không thể ngồi không” – ông cười hiền khi được hỏi về câu chuyện vẫn cặm cụi, hăng say với các chuyến đi thiện nguyện, khi thì ở vùng núi biên giới, lúc thì trong các bệnh viện với hàng chục, hàng trăm bệnh nhân ở mọi lứa tuổi bị bệnh hiểm nghèo mà hoàn cảnh thì vô cùng khó khăn và đáng thương.
Lân la hỏi ông về những kỷ niệm thời chiến, ông cười bảo “có gì để kể chuyện đâu vì thời điểm đó tất cả thanh niên đều thế cả”.
Và rồi câu chuyện bắt đầu một cách rất tự nhiên, như vốn có. “Thời điểm tôi ra trường lẽ ra sẽ về Cục Quân y với quân hàm Chuẩn úy và hầu hết lứa bạn học cùng khóa tôi bấy giờ đều sẽ là sỹ quan cao cấp luôn nhưng chúng tôi quan niệm, đó chưa phải là bộ đội. Bộ đội trong suy nghĩ của thế hệ thanh niên thời đó phải là tham gia chiến trường, phải đi đánh kẻ thù xâm lược đất nước. Với suy nghĩ đó, tôi cùng nhiều người bạn của mình đã viết đơn bằng máu để xung phong ra tiền tuyến” – ông tâm sự.
Ra trường, ở tuổi 20 sức trẻ phơi phới và chất chứa niềm nhiệt huyết sục sôi trong khí quản, tôi được xét đơn tham gia quân ngũ. Bản thân học chuyên khoa Tai – mũi - họng nhưng khi vào trong chiến trường, chuyên khoa này rất ít có cơ hội phát triển và sử dụng. Do đó, tôi đã chủ động xin điều chuyển sang ngoại khoa. Được đào tạo bài bản tại Trường Trung cấp y Phú Thọ, tôi đã được tín nhiệm phân công làm đội trưởng đội phẫu thuật.
Nhập ngũ tháng 12/1967, đúng thời điểm cuộc đấu tranh chống Mỹ đang bước vào giai đoạn nước rút với nhiều cơ hội thuận tiện cho ta trên cả mặt trận ngoại giao và trên chiến trường. Ở thời điểm đó, đơn vị của chúng tôi hoạt động theo tình hình thời tiết, mùa mưa thì toàn bộ co cụm về đội điều trị thường xuyên, mùa khô tản ra đội phẫu thuật. Đội phẫu thuật có nhiệm vụ bám sát các khu vực trọng điểm, chữa trị, chủ yếu là mổ cho các chiến sỹ bị thương trong các trận chiến. Đội đi đến đâu thì đào hầm ở đó, tuy nhiên nhiều lúc còn chưa khô nứa, khô lá đã vội đi theo đúng nghĩa đen là đội phẫu thuật lưu động.
Đến năm 1977 do điều kiện sức khỏe, vì bị thương khi chiến đấu ở mặt trận Buôn Mê Thuột (tháng 3/1975), tôi được xác định là thương binh 3/4. Tôi ra quân và về công tác tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoàng Liên Sơn (nay là Bệnh viên đa khoa tỉnh Yên Bái). Tại Bệnh viện, vốn là cán bộ được đào tạo bài bản, từng tham gia quân ngũ, tôi được tín nhiệm bầu vào cấp ủy giữ trọng trách Bí thư Chi bộ Khối ngoại-sản, chuyên khoa Tai – mũi - họng, Răng hàm mặt, mắt, nhà mổ, hồi sức, rồi đảm nhận chức Trưởng khoa ngoại.
Thời kỳ bao cấp khó khăn, phẫu thuật viên chưa nhiều, kíp mổ của bệnh viện phải đi mổ cấp cứu cho 17 huyện, thị của tỉnh Hoàng Liên Sơn. Tuy công việc bận rộn, ông vẫn sắp xếp thời gian để dành cho gia đình và nuôi dạy ba người con trưởng thành. Hiện, ba người con của ông đều là cán bộ nhà nước và đều là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Từ năm 2012 đến nay, ông về sinh sống tại phường Trung Văn (Nam Từ Liêm) cùng con cháu. Tại đây ông tham gia cấp ủy và các công tác đoàn thể, xã hội của địa phương. Năm 2020, vì dịch bệnh lại do tuổi cao không trực tiếp tham gia vào những công việc nặng, tuy nhiên ông thường xuyên mang nước uống ra phục vụ các chốt trực dịch COVID-19, đồng thời vận động thêm các thanh niên ra tham gia trực chốt, tiên phong là con trai ông đã thực hiện theo lời vận động của cha.
Chia sẻ về công tác từ thiện – nhân đạo, ông cho biết đây là công việc xuất phát từ tâm, bởi vậy ông luôn mong muốn trao tận tay cho những hoàn cảnh khó khăn, dù phần quà là rất nhỏ. Kinh phí cho hoạt động từ thiện chủ yếu được ông vận động từ anh em, bạn bè cựu chiến binh, ngoài ra còn kêu gọi thêm từ một số tổ chức xã hội, doanh nghiệp. Sau khi có nguồn tài trợ, ông liên hệ trực tiếp với các phòng công tác xã hội cơ sở để trao tận tay các đối tượng cần được giúp đỡ. "Tôi hay nói vui là mình huy động tiền từ thiện từ rất nhiều người mong muốn làm từ thiện mà không có điều kiện thực hiện. Mình làm tốt, làm hiệu quả không chỉ mang lại niềm vui cho các hoàn cảnh đáng thương, cần trợ giúp mà còn mang lại niềm vui cho cả những người mong muốn được giúp đỡ người khó khăn mà vì điều kiện không thể trực tiếp tham gia được. Ông Quân chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, khi đánh giá về cựu chiến binh, bác sỹ Lê Hồng Quân, Trung tá Hà Văn Quế, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm cho biết, đồng chí Quân tuy tuổi cao nhưng rất tích cực tham gia các phong trào thi đua cựu chiến binh gương mẫu, là Chi hội trưởng luôn xung phong trong phòng chống dịch bệnh COVID-19 ở địa phương, sống mẫu mực, nhiệt tâm với công tác nhân đạo – từ thiện, là tấm gương cho các thế hệ trẻ noi theo..../.